Từ xa xưa, con người đã biết dùng bùn khoáng để làm đẹp và chữa bệnh. Từ những năm 1820, tắm bùn khoáng được hoàn chỉnh và ngày càng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu. Ở Việt Nam, phương pháp trị liệu này được ứng dụng cùng với phát triển du lịch nghỉ dưỡng thời gian gần đây.
Làm đẹp da, chữa được bệnh
Theo ông Đặng Đức Long - kỹ sư mỏ địa chất, Giám đốc đơn vị khai khoáng của Khu Du lịch I-Resort - qua nghiên cứu, thí nghiệm, kiểm hóa cho thấy bùn khoáng có nguồn gốc vô cơ, thành phần chủ yếu là silic được kết tủa từ nước khoáng có hòa tan thành phần của đá trầm tích giàu alumosilicat và một số nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự sống của con người, như: Zn, Mn, Cu, Co, F, Se. Những tác dụng y học sau khi ngâm tắm bùn khoáng và nước khoáng: gây kích thích mạnh trên da, điều chỉnh rối loạn nội tiết; giúp da đẹp, mịn màng, tươi trẻ và săn chắc nhờ các muối và khoáng chất có trong bùn. Tác dụng kích thích mạnh nhất là NaCl có trong nước khoáng và alumosilicat có trong bùn.
Theo kết quả nghiên cứu của các đơn vị chuyên về bùn khoáng, đối với bệnh đái tháo đường, nước khoáng nóng, mặn có tác dụng làm giảm đường huyết và đường niệu; tác dụng trực tiếp nhất vẫn là ion chloride (đọc là ion clorua) chất làm cân bằng tình trạng giảm chloride, đặc trưng của bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, nước khoáng và bùn có chứa hàm lượng axít metasilic (H2SiO3) và boric (HBO2) cao dưới dạng không thủy phân có tác dụng rất mạnh trong việc chữa các bệnh: thần kinh, tê thấp, viêm khớp, chấn thương, phụ khoa, rối loạn tim mạch.
Với hàm lượng khoáng chất cao, đặc biệt nồng độ brom có trong nước, khi ngâm tắm rất có lợi cho sức khỏe và có tác dụng chữa một số bệnh: thư giãn thần kinh, dễ ngủ, sảng khoái sau mỗi ngày làm việc; kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng, hấp thụ dưỡng chất tối đa khi ăn; giảm mỏi mệt, đau nhức và hồi phục nhanh các chức năng cơ, khớp, làm chắc xương, răng và tốt cho da, tóc.
Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Khánh Hòa - cho biết việc tắm bùn khoáng rất có lợi cho sức khỏe và điều trị bệnh. Ngay cả bệnh viện da liễu cũng sử dụng như một liệu pháp vật lý trị liệu để chữa bệnh. Giá trị chữa bệnh của bùn khoáng đã có nhiều công trình nghiên cứu của bộ, ngành chức năng và được áp dụng ở một số địa phương. Điều quan trọng nhất là chất lượng, cách thức sử dụng sao cho phù hợp, đạt hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bùn non được đóng hộp để người tiêu dùng đắp mặt làm đẹp da, giúp làm dịu các kích thích trên da, hỗ trợ thải độc da, giảm mụn đầu đen, chống lão hóa và giúp làn da căng bóng, khỏe đẹp.
Du khách rất thích thú với dịch vụ tắm bùn, tắm khoáng tại I-Resort khi đến du lịch TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Công phu chế biến bùn khoáng
Ông Phạm Văn Hùng, Tổng quản lý Khu Du lịch I-Resort (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), cho biết ở đây có một đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiên cứu, khai thác nước khoáng tại Hòn Thơm (xã Vĩnh Ngọc) và mỏ bùn khoáng tại xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) và xã Diên Tân (huyện Diên Khánh). Nước khoáng Hòn Thơm phun lên trên mặt đất khi khoan vào đới nứt nẻ của đá granit sâu 200 m, nóng gần 60 độ C. Lưu lượng tự chảy đo tại miệng giếng đạt 24 lít/giây, trở thành một trong những mỏ nước khoáng có trữ lượng lớn nhất tại Khánh Hòa. Nước khoáng Hòn Thơm được định danh là nước khoáng nóng silic - brom - fluor, khoáng hóa cao và là loại nước khoáng quý lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Khánh Hòa.
Còn bùn khoáng được đẩy lên từ kẽ nứt tự nhiên, đùn lên thành bãi lớn được đơn vị khai thác hút vào các xe bồn đưa về xử lý. Bùn khoáng thường có màu xám sáng, xám xanh, đen và vàng nhạt; không mùi; mịn, có khả năng dính bám cao. Lượng bùn chứa càng nhiều chất khoáng, chủ yếu là silic được kết tủa từ nước khoáng, giàu alumosilicat thì càng dẻo. Đặc tính quý của khoáng vật này là có khả năng hấp thụ cao khi thay đổi độ ẩm.
"Quá trình chế biến bùn nguyên liệu cũng khá công phu. Khi đưa về nhà máy, bùn được lọc ly tâm qua nhiều lớp lưới để loại đi các tạp chất, đá dăm. Sau đó, bùn tinh chế được nấu lại ở nhiệt độ 120 độ C và thêm các hương liệu. Sau đó, bùn khoáng được hạ nhiệt, đưa lên các bồn chứa sục liên tục với nước khoáng Hòn Thơm. Khi phục vụ tắm, bùn khoáng và nước khoáng sẽ được đưa xuống bồn để khách ngâm tắm. Lượng bùn sau tắm sẽ đưa ra hồ xử lý, lắng lọc, phơi khô để phục vụ san lấp mặt bằng hoặc trồng cây cối" - ông Hùng cho biết.
"Đặc sản" du lịch Tắm bùn khoáng tốt cho sức khỏe nên trở thành "đặc sản" không thể không trải nghiệm của người dân địa phương và du khách. Có nhiều địa phương khai thác dịch vụ bùn khoáng cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng nhưng TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là địa phương khai thác mạnh này loại hình này. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết tắm bùn khoáng là một dịch vụ "đặc sản" du lịch mà thiên nhiên ưu đãi cho thành phố biển Nha Trang. Theo bà Thanh, lâu đời nhất là suối khoáng nóng Tháp Bà Nha Trang, nằm sau lưng Tháp Bà Ponagar, đây là địa điểm có nhiều kinh nghiệm trong việc phục vụ tắm bùn, tắm khoáng. Khu Du lịch I-Resort với thiết kế rộng rãi, thoáng mát, phù hợp khi kết hợp tắm bùn với du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn. Cách trung tâm TP Nha Trang 8 km, khu tắm bùn Trăm Trứng cũng nổi tiếng với các bồn tắm hình trứng độc đáo trải dài dọc theo sườn đồi. Nếu du khách ngại đi xa thì có điểm tắm bùn Galina nằm ở đường Hùng Vương, đây là điểm duy nhất nằm ngay trung tâm TP Nha Trang. Nếu du khách nghỉ dưỡng ở đảo Hòn Tằm thì cũng dễ dàng thưởng thức dịch vụ này ngay tại đảo với quy mô rất lớn. Còn du khách thích du lịch biển - rừng có thể lên Công viên Du lịch Yangbay (huyện Khánh Vĩnh) vui chơi và thưởng thức tắm bùn, tắm khoáng ngay tại mỏ nước nóng ở đây. |