Du lịch cá nhân: Xu hướng tiềm năng mới trong ngành du lịch
Du lịch cá nhân không có nghĩa là khách du lịch cá nhân chỉ thực hiện chuyến đi hoàn toàn tự túc và bỏ qua việc sử dụng các dịch vụ du lịch và lữ hành. Xu hướng du lịch cá nhân cho phép du khách được tự do lựa chọn hành trình và điểm đến mà không bị ràng buộc bởi các lịch trình kéo dài hay phụ thuộc vào thời gian của người đi kèm như các hình thức du lịch truyền thống. Người đi du lịch cá nhân hướng tới việc tìm kiếm những trải nghiệm riêng biệt, phù hợp với nhu cầu, động lực và tính cách của mình. Do đó, những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ lữ hành đáp ứng được những đặc điểm trên đều có khả năng nắm bắt và hưởng lợi từ xu hướng mới mẻ này.
Số liệu báo cáo quốc tế cho thấy cộng đồng người tham gia du lịch cá nhân có xu hướng tăng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, nghiên cứu từ TrekkSoft về số lượng tìm kiếm từ khóa “solo female travel” và “solo travel” ghi nhận con số 2.900 lượt tìm kiếm vào tháng 9 năm 2017, tăng 52% so với tháng 10 năm 2016. Tháng 01/2018, “solo travel” và “travel alone” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google.
Khi tìm kiếm thông tin “Solo female travel blog”, Google trả về hơn 2,45 triệu kết quả. Trang web solotravelerworld.com cho biết số lượng người đăng kí nhận các thông tin du lịch cá nhân thông qua nền tảng này đã phát triển từ 25,500 đến 30.000 lượt vào năm 2017, tăng 37% so với thời điểm khởi đầu vào năm 2009. Theo Booking.com, có đến 40% khách du lịch thuộc nhóm Baby Boomers sử dụng nền tảng Booking trong năm 2018 đã đi du lịch cá nhân trong năm trước và 21% sẽ có xu hướng đi du lịch cá nhân trong tương lai.
Nhận thấy mức độ tăng trưởng tích cực của xu hướng này, nhiều công ty du lịch trên thế giới đã nhanh chóng phát triển mở rộng thêm các gói tour dành riêng cho khách du lịch cá nhân bên cạnh việc cung cấp tour truyền thống. Với 40% số khách là người du lịch cá nhân, công ty du lịch G Adventures (Toronto, Canada) đang cung cấp 700 tour dành cho khách du lịch cá nhân đến 100 quốc gia với điểm đến được gợi ý nhiều nhất tại thị trường châu Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Đặc biệt, công ty Intrepid Travel (Melbourne, Úc) ghi nhận sự xuất hiện của thị trường khách du lịch cá nhân với mức độ tăng trưởng đến 40% từ các đoàn khách trong vòng 5 năm trở lại đây và họ đã thiết kế riêng các gói tour du lịch cá nhân đến các điểm đến Bali, Ấn Độ và Việt Nam để phục vụ nhóm thị trường này. Hãng hàng không Transat xây dựng chương trình “Solo Collection” ưu đãi tiết kiệm tối đa các trải nghiệm lưu trú, ăn uống, hàng không cho người du lịch cá nhân. Hãng tàu du lịch Saga Cruise cho biết bên cạnh các nhóm khách truyền thống thì có khoảng một phần năm khách đi du lịch một mình và có xu hướng tăng. Do vậy, công ty đã đưa ra chương trình đặc biệt “Singles Mingle” và dành riêng 1/5 cabin trên tàu phục vụ khách du lịch cá nhân.
Khách du lịch cá nhân: Họ là ai?
Năm 2018, Tổ chức Solo Traveler phối hợp cùng Just You tiến hành khảo sát từ 1.118 người đã đi du lịch cá nhân nhằm tìm ra những khác biệt từ du lịch cá nhân so với các loại hình du lịch khác. Kết quả khảo sát cho thấy động lực chính thúc đẩy người tham gia du lịch cá nhân xuất phát phần lớn từ áp lực trong cuộc sống. Họ có xu hướng lựa chọn đi du lịch một mình để nghỉ ngơi trước những căng thẳng và khám phá khác biệt văn hóa tại điểm đến. Số lượng khách nữ du lịch một mình cao gấp đôi so với nam giới. Phân khúc khách tham gia du lịch cá nhân theo độ tuổi ở châu Á và châu Âu có sự khác nhau rõ rệt. Nhóm du khách cá nhân từ châu Âu chủ yếu thuộc thế hệ Baby Boomers (50 – 64 tuổi) với nhu cầu khám phá khác biệt về văn hóa tại điểm đến. Trong khi đó ở châu Á phân khúc khách du lịch cá nhân phần lớn tập trung vào thế hệ Millennials (21 – 34 tuổi) với nhu cầu du lịch giảm bớt áp lực cuộc sống. Thời gian chuyến đi cá nhân trung bình từ 04 đến 07 ngày, phụ thuộc vào kinh nghiệm trước đây, chi phí và độ an toàn điểm đến.
Khi tham gia du lịch cá nhân, du khách thường chọn điểm đến là quốc gia hoặc vùng có mức chi tiêu thấp hơn nơi họ đang sinh sống. Khoảng thời gian trong năm được lựa chọn du lịch cá nhân rơi vào tháng 4-5 và 9-10. Bên cạnh đó, người du lịch cá nhân dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại, laptop hay máy tính bảng phục vụ cho chuyến đi hơn bất kỳ xu hướng du lịch khác. Do đó, có thể thấy được họ phụ thuộc nhiều vào công nghệ khi tham gia du lịch cá nhân.
Doanh nghiệp du lịch Việt Nam trước xu hướng du lịch cá nhân: Cơ hội và Thách thức
Theo khảo sát từ Agoda và YouGov công bố năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) nằm trong top 10 điểm đến được yêu thích của cộng đồng du lịch cá nhân. Sự xuất hiện ào ạt của các nền tảng du lịch chuyên phục vụ thị trường khách du lịch cá nhân như Klook, Fayfay,… tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây cho thấy dấu hiệu tăng trưởng xu hướng du lịch cá nhân là có cơ sở. Theo Klook – nền tảng đặt dịch vụ du lịch tại điểm đến chỉ riêng tại thị trường châu Á số lượng khách du lịch cá nhân đã tăng trên nền tảng của họ từ 31% lên 38% vào năm 2018. Việt Nam và Thái Lan nằm trong nhóm quốc gia thu hút nhóm khách du lịch này.
Có thể nói đây là cơ hội rất lớn đối với doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong xu thế phát triển sản phẩm chuyên biệt dành riêng các nhóm thị trường đặc thù của ngành du lịch thế giới. Là những doanh nghiệp nội địa với lợi thế rất lớn về hiểu biết điểm đến trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc tối ưu hoá các sản phẩm dịch vụ theo hướng cá nhân hoá và địa phương hoá nhu cầu trải nghiệm của du khách, một trong những yêu cầu quan trọng của thị trường khách du lịch cá nhân.
Tuy vậy, để có thể khai thác được đối tượng thị trường du lịch cá nhân với những yêu cầu mang tính đặc thù cao, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức; đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế bắt đầu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Một trong những thách thức phải kể đến đầu tiên chính là khả năng thấu hiểu khách hàng để từ đó linh hoạt đưa ra được các sản phẩm khác nhau phù hợp với từng đối tượng khách của các doanh nghiệp trong nước; vốn đã quen với việc kinh doanh các sản phẩm truyền thống mà ít có sự cập nhật thay đổi. Kế đến là việc giao tiếp và quản lý thương hiệu của doanh nghiệp trên các nền tảng trực tuyến với khách du lịch cá nhân, những người được đánh giá là rất xem trọng các thông tin đánh giá trực tiếp trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng cũng sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Vậy, bài toán đặt ra với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay là cần phải chuẩn bị như thế nào để đón đầu làn sóng thị trường mới này. Họ sẽ phải làm gì để có thể tiếp cận, thấu hiểu và cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp với thị hiếu của thị trường khách du lịch cá nhân, để qua đó có thể đưa Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng thật sự trở thành điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch cá nhân.
Để có được cái nhìn toàn diện về xu hướng, tiềm năng của du lịch cá nhân hiện nay, cũng như các phương pháp tiếp cận & khai thác thị trường du lịch này, Outbox Consulting và Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh sẽ mang đến sự kiện một ngày đặc biệt “Solo Travelers Day” bao gồm Hội thảo, Workshop, Talk Show trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Tp. Hồ Chí Minh ITE HCMC 2019, từ 9:00 – 17:00, ngày 06/9/2019.
Bài: Outbox Consulting
Ảnh: Ngô Trần Hải An, CT Group