Sôi nổi kỷ niệm 596 năm Chiến thắng Chi Lăng

Thứ Tư, 22/11/2023 21:00
Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích lịch sử Chi Lăng, tại Mẫu Ngọc Chi Lăng ở khu Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sáng 22/11 (tức mồng 10 tháng 10 Quý Mão), hàng trăm du khách thập phương đã về đây dâng hương tưởng niệm các tướng lĩnh Lê Sát, Đinh Liệt và Trần Lựu- những vị tướng lừng danh đã chỉ huy nghĩa quân làm nên các trận chiến Chi Lăng oai hùng.

Bà Đinh Thị Thao, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT &TT huyện Chi Lăng phát biểu tại chương trình. Ảnh: Duy Chiến

Mẫu Ngọc là nơi thờ tự của những người dân địa phương lập nên từ năm 1982 và được du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái, thăm quan, trải nghiệm và hồi hướng về chiến công hiển hách của quân và dân ta trong 3 lần chiến thắng giặc Nguyên- Mông nằm dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng.

Chi Lăng vùng đất giàu truyền thống lịch sử anh hùng cách mạng, gắn liền với nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tại mảnh đất lịch sử này, cách đây vừa tròn 596 năm, Chi Lăng đã ghi vào sử sách dân tộc Việt Nam 1 trong 10 trận thắng oanh liệt của cha ông ta trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến thắng Chi Lăng 10/10/1427 biểu thị sự nỗ lực phi thường, ý chí và nghị lực, tinh thần quyết chiến quyết thắng và trí thông minh sáng tạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Phương Bắc.

Màn trống hội sôi nổi, hào hùng. Ảnh: Duy Chiến

Giao lưu văn nghệ vùng, miền, thể hiện khí phách dân tộc, đậm đà bản sắc. Ảnh: Duy Chiến

Chiến thắng Chi Lăng đã ghi một mốc son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc, khẳng định tinh thần bách chiến bách thắng của nghĩa quân Lam Sơn, của nghệ thuật quân sự điêu luyện và tài thao lược kiệt xuất của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, của cha ông ta ở thế kỷ XV, là sự kết hợp chặt chẽ giữa quân và dân trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng lịch sử đã chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, mở ra một trang mới chói ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bà Đinh Thị Thao, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thông huyện Chi Lăng cho biết: Chi Lăng với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng - là con đường huyết mạch ngoại giao duy nhất giữa 2 nước Việt - Trung. Chính vì vậy từ xa xưa Chi Lăng luôn được các triều vua thời phong kiến và các nhà quân sự tài ba coi là vùng đất phên dậu, là điểm trấn ải biên cương trọng yếu của của Tổ quốc, rất thuận tiện cho việc bài binh bố trận, chặn đánh và truy đuổi quân thù... Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngay từ buổi đầu lập nước, Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Thế kỉ X-XI, quân Tống sang xâm lược nước ta hai lần nhưng đều bị thất bại tại Ải Chi Lăng. Thế kỉ XIII, Chi Lăng là nơi ghi dấu ba lần thua trận nặng nề của quân xâm lược Nguyên - Mông. Thế kỉ thứ XV, tại Ải Chi Lăng đã diễn ra một trận đánh vang dội đi vào lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, trận chiến Chi Lăng ngày 10 tháng 10 năm Đinh Mùi -1427 ghi vào sử sách dân tộc với niềm kiêu hãnh, tự hào của một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, mưu trí, sáng tạo và gan dạ, bất bại trước mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời chiến thắng Chi Lăng reo thêm vào nỗi kinh hoàng khiếp sợ của vó ngựa quân xâm lược phương bắc trong thời kỳ phong kiến.

Lân sư rồng hân hoan chào mừng ngày hội. Ảnh: Duy Chiến

 

 

 

Dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến Chi Lăng 1427 .Ảnh: Duy Chiến

Với ý nghĩa, giá trị lịch sử vô cùng quan trọng, năm 1962 Khu di tích lịch sử Chi Lăng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu tại Quyết định số 315-VH/VP ngày 26/4/1962 - khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Năm 2019 tiếp tục được thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hiện nay tại trên Vùng đất Chi Lăng Lịch Sử, Chi Lăng anh hùng này có rất nhiều Đình, Đền, Chùa và các cơ sở tín ngưỡng thờ tự các vị anh hùng dân tộc, các tướng lĩnh, nghĩa sỹ dân binh đã có nhiều công lao đánh giặc giữ nước và hy sinh tại vùng đất thiêng này, như: Chúa Nái ở thị trấn Chi Lăng thờ chính vị hai người con gái Kiều Liên và Kiều Hoa con gái của Tù trưởng người dân tộc Đại Hề hay Đền Quán Nàng, Đền Quỷ Môn Quan và hiện nay tỉnh Lạng Sơn, huyện Chi lăng và nhân dân cả nước đang hướng về và góp công sức kinh phí hoàn thiện Đền Chi Lăng thờ vua Lê Lợi và các Tướng lĩnh đã làm nên trận chiến 1427 tại vùng đất Chi Lăng.

“Và hôm nay tại đây, trong không gian của Mẫu Ngọc Chi Lăng, một không gian tâm linh vô cùng có ý nghĩa, linh thiêng thờ tự các bậc tiền nhân, anh linh các anh hùng dân tộc, chúng ta cùng bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến các vị anh hùng dân tộc đã hy sinh để chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đủ đầy như ngày hôm nay. Chúng tôi cũng mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành để hoàn thiện cơ sở vật chất các điểm di tích Đền, Chùa, Đình cũng như Mẫu Ngọc Chi Lăng ngày càng khang trang và to đẹp hơn, xứng tầm là nơi thờ tự các tướng lĩnh, nghĩa sỹ dân binh đã hy sinh trên vùng đất Chi Lăng lịch sử và cũng là nơi đón tiếp, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá với du khách thập phương xa gần về bề dày giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng đất Chi Lăng, địa linh nhân kiệt…”, bà Đinh Thị Thao nhấn mạnh.

Đông đảo du khách phật phương đến dự ngày hội .Ảnh: Duy Chiến

Trong khuôn khổ Hội kỷ niệm 596 năm Chiến thắng Chi Lăng (1427- 2023), đã diễn ra các hoạt động sôi nổi, phong phú: Trống hội, nghi lễ dâng hương, Lân sư vovinam; giao lưu văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc, vùng miền và Liên hoan hát chầu văn và hầu đồng tại Mẫu Ngọc Chi Lăng.

Nguồn: Tiền Phong

Tin khác