Ngày 8/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749 phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Khách nội địa cứu nguy ngành du lịch
Trong khi diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, thị trường quốc tế bị "đóng băng" thì khách nội địa được coi như cứu tinh của cả ngành du lịch. Đây là thời điểm vàng để khuyến khích người Việt đi du lịch Việt.
Tại Hội nghị trực tuyến với Thủ tướng diễn ra ngày 9/5 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cũng cho rằng trước mắt cần tập trung thúc đẩy thị trường trong nước để duy trì và giữ lại hệ thống, nhân sự trong ngành.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" sẽ bắt đầu từ 1/6/2020 đến 31/12/2020. Các nhiệm vụ chính bao gồm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; các địa phương mở cửa lại du lịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tinh thần sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.
Việc thực hiện hiệu quả kế hoạch kích cầu nội địa đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của các doanh nghiệp lữ hành mà cần sự chung tay góp sức của các địa phương cũng như những hãng hàng không,…
Các cơ quan du lịch tại địa phương cần thông tin rộng rãi về việc mở cửa các điểm du lịch, mức độ an toàn, sẵn sàng thu hút khách du lịch, xây dựng các quy định hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương. Đồng thời, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng,…
Bên cạnh truyền thông, cần triển khai các gói kích cầu, cung cấp dịch vụ với chất lượng, giá cả hợp lý, kèm theo ưu đãi, cam kết từ nhà cung cấp.
Giá giảm nhưng chất lượng không đổi
Trong cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch sau Covid-19 giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Hiệp hội Du lịch các địa phương trên cả nước mới đây, các doanh nghiệp lữ hành đã thống nhất triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những phương án được đưa ra đó là thiết lập những "tam giác phát triển", có sự kết nối giữa cơ quan chính quyền ở những địa phương này. Ví dụ miền Bắc có Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh, miền Trung có Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam và Nha Trang – Đắk Lak – Phú Yên, miền Nam có TP. Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu – Đông Nam Bộ.
Đồng thời, Chủ tịch Vietravel đề xuất giảm 50% giá vé thăm quan đối với những danh lam, thắng cảnh do Nhà nước đang quản lý.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết sẽ có hai phương án song song: thứ nhất là giá rẻ hơn tour du lịch thông thường từ 20-30% nhưng chất lượng dịch vụ không giảm; thứ hai là giữ nguyên giá nhưng tăng dịch vụ cao cấp cho khách.
Không đợi đến khi chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" chính thức khởi động, nhiều doanh nghiệp đã có động thái giảm giá dịch vụ, giá vé để thu hút khách nội địa. Theo ghi nhận, giá phòng khách sạn, các combo nghỉ dưỡng hay resort cao cấp đều đang giảm giá từ 20% đến 50%.
Theo Vietnamnet, thậm chí, có công ty du lịch đã tung ra tour kích cầu với mức giảm giá tới 70% cho các gói combo du lịch từ Hà Nội tới Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt… (gồm vé máy bay, ở 3 ngày 2 đêm khách sạn từ 3 sao trở lên) chỉ từ 1,59 triệu đồng/người... áp dụng cho khách khởi hành từ 10/5 đến hết 31/12.