Mở rộng việc miễn visa sẽ giúp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Trong ảnh: Du khách tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills
Visa vẫn là điểm nghẽn
Năm 2022, trái ngược sự bùng nổ du khách nội địa với trên 101 triệu lượt, thì khách quốc tế chưa như kỳ vọng.
Với dấu mốc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là có chính sách cởi mở nhất. Nhưng đến hết năm 2022 chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu lượt khách. Thậm chí, Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế, trong khi các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, có nước vượt mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân khách quan là do một số thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á còn chưa mở cửa và khá dè dặt, cộng thêm các yếu tố về địa chính trị, suy thoái kinh tế khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế.
Về mặt chủ quan, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Chính phủ đã có sự quan tâm, ưu tiên các nguồn lực cho công tác truyền thông, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dù đã được thành lập từ lâu, nhưng vốn cho quỹ này hoạt động còn khiêm tốn.
Mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa và kéo dài thời hạn visa lên 30-45 ngày sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam. |
Đặc biệt, chính sách visa của Việt Nam vẫn là “điểm nghẽn”. Theo ông Chris Farwell, ủy viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Thái Lan là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam, đã miễn visa đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn được kéo dài 30 - 45 ngày, trong một số trường hợp là 90 ngày. So với xứ sở Chùa Vàng, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại. Trên thực tế, Việt Nam còn làm cho các thủ tục khó khăn hơn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút khách quốc tế, mặc dù Việt Nam đi trước Thái Lan trong việc mở cửa.
Cũng theo ông Chris Farwell, du khách thường phàn nàn họ không thể dễ dàng xin visa du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước Covid-19. Họ được yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh. Đây là một gánh nặng mới về thủ tục hành chính. Mặt khác, có người phản ánh, họ bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ với mức phí rất cao, từ 200 tới 500 USD đối với các visa xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức chỉ là 25 USD.
“Chúng tôi đã nhận được phản ánh của công dân các quốc gia không thuộc danh sách đủ điều kiện cấp visa điện tử, hoặc khó xin visa điện tử, chẳng hạn như công dân Mauritius, họ cho biết có thể phải đợi 30 ngày trở lên và phải trả tới 800 USD để được cấp visa”, ông Chris Farwell cho hay.
Sớm thay đổi chính sách cấp visa
Ông Chris Farwell khuyến nghị, điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. Mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Australia, New Zealand, Canada) và kéo dài thời hạn visa lên 30-45 ngày sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam.
Tiếp tục các đề xuất này, TAB cũng tập trung các ý kiến và đề xuất về việc loại bỏ gánh nặng về thủ tục giấy tờ đối với visa.
Bên cạnh đó, TAB đề nghị hệ thống visa điện tử thực sự cần được quan tâm ngay trước mắt về những vấn đề như: việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia. Tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm trực tuyến và cần cắt giảm các đại lý dịch vụ có trang web giống như các kênh chính thức cấp visa. Việc truy cập trang web và giao diện thân thiện với người dùng cần được cải thiện. Hệ thống cần được xem xét lại để có thể làm đơn giản, dễ dàng hơn để có thể trả lời cho khách một cách nhất quán và nhanh chóng.
Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Trung Quốc bắt đầu dần mở cửa du lịch, nếu chúng ta nhanh chóng chớp cơ hội thu hút thị trường này, cộng với một số thị trường lớn khác như Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ..., con số mục tiêu hoàn toàn có khả năng đạt được, nhưng mục tiêu cần đi kèm hành động.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần gắn kết, trao đổi với nhau để tạo ra sự hài hòa trong quá trình làm thủ tục. “Hãy làm nhanh nhất các thủ tục vì khách có thể thay đổi ý kiến ngay lập tức khi xung quanh mời chào dễ dàng, mạnh mẽ, mà chúng ta còn chậm chạp trong việc làm thủ tục thì chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội”, ông Bình nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtour cho rằng, ngành kinh tế xanh cần có chính sách thu hút nhân sự, chính sách hỗ trợ tài chính để xây dựng sản phẩm và có những biện pháp hỗ trợ để xúc tiến quảng bá thị trường.
“Nếu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch inbound mạnh như trước đại dịch Covid-19 thì chúng ta mới đón được lượng khách như trước đây. Năng lực của các công ty du lịch inbound mạnh hơn thì thu hút được nhiều, còn doanh nghiệp yếu thì không thực hiện được”, ông Hoan phân tích.
Bên cạnh đó, câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương để tạo nên hệ thống sản phẩm mới, hấp dẫn là những vấn đề phải đẩy mạnh để tạo sức bật cho du lịch Việt Nam. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phối hợp cùng ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá để ngành kinh tế xanh mau chóng phục hồi.