Những tác phẩm mỹ nghệ được làm từ “trai tai tượng” khủng của Phú Quốc

Thứ Năm, 23/02/2023 12:14
Kiên Giang - Mỹ nghệ từ “Trai tai tượng” là món quà độc lạ và chất chứa chiều sâu "trầm tích" của Đảo Ngọc Phú Quốc.

Loài nhuyễn thể độc lạ

Với vị thế đặc thù của vùng biển Tây của Tổ quốc, biển ở Phú Quốc (TP. Phú Quốc, Kiên Giang) rất phong phú về chủng loại hải sản. Trong đó có những loài “khó nơi nào có được” mà “Trai tai tượng” là điển hình. Đây là loài trai có kích thước lớn nhất và thọ nhất trong các loài nhuyễn thể (thân mềm) trong vùng biển Phú Quốc.

Cận cảnh 1 cánh vỏ “Trai tai tượng” tại vùng biển Phú Quốc, nặng 50kg trưng bày tại cơ sở Ngọc trai Ngọc Hiền. Ảnh: Lục Tùng
Cận cảnh 1 cánh vỏ “Trai tai tượng” tại vùng biển Phú Quốc, nặng 50kg trưng bày tại cơ sở Ngọc trai Ngọc Hiền. Ảnh: Lục Tùng

Loài hai mảnh vỏ này có thể sống đến trăm năm tuổi, có thân hình vô cùng khủng, chỉ một mảnh vỏ đã nặng đến vài mươi ký. Thậm chí, tại Phú Quốc đã tìm thấy vỏ trai cân nặng đến 300kg, có đường kính cả mét và dầy đến 2 tấc.

Không chỉ có kích thước khủng, vỏ “Trai tai tượng” còn ẩn chứa những “trầm tích” đại dương. Do đây là loài thuỷ sinh quý hiếm, sống ở tầng đáy biển nên phần lớn vỏ “Trai tai tượng” ở Phú Quốc được khai thác ở dạng “trầm tích”. Sau khi kết thúc vòng đời, vỏ trai bị chìm sâu dưới lòng đáy đại dương.

Một góc sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ vỏ “Trai tai tượng“. Ảnh: Lục Tùng
Một góc sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ vỏ “Trai tai tượng“. Ảnh: Lục Tùng

Trải qua quá trình biến đổi và tác động của môi trường xung quanh, lớp xà cừ của vỏ trai được “chuyển hóa” thành những màu sắc khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là dạng xà cừ màu trắng đục và trắng trong… Và dù “chuyển hoá” thành bất cứ màu nào, thì phần vỏ này đều có điểm chung là “thấu quang”. Khi soi đèn, lập tức khối xà cừ “rực lên”, làm nổi và những đường vân chồng chất xếp lớp lên nhau, rất độc đáo.

Siêu phẩm mỹ nghệ

Sau thời gian tích luỹ từ nhiều nguồn hợp pháp, doanh nghiệp Ngọc trai Ngọc Hiền (Dương Tơ – Phú Quốc) đã sưu tập được nguồn vỏ “Trai tai tượng” khá nhiều để làm nguyên liệu chế tác mỹ nghệ.

Tôn tượng Phật bà được chế tác từ vỏ “Trai tai tượng” của vùng biển Phú Quốc. Ảnh: Lục Tùng
Tôn tượng Phật bà được chế tác từ vỏ “Trai tai tượng” của vùng biển Phú Quốc. Ảnh: Lục Tùng

Độ dầy của khối vỏ, sự độc đáo của màu sắc xà cừ… như khơi gợi cho các nghệ nhân nguồn cảm hứng sáng tạo. Vì thế từng nghệ nhân không chỉ cắt gọt, mài dũa, mà như thổi hồn vào từng đường nét điêu khắc tỉ mỉ… Tất cả đã hội tụ và hoà quyện để tạo ra sự lột xác kỳ diệu. Những vỏ trai xù xì bị vùi sâu dưới đáy đại dương, bỗng chốc trở thành những siêu phẩm nghệ thuật.

Cận cảnh tác phẩm “Cá chép vờn sen” mang ý nghĩa cát tường “liên liên hữu ngư” (quanh năm no đủ). Ảnh: Lục Tùng
Cận cảnh tác phẩm “Cá chép vờn sen” mang ý nghĩa cát tường “liên liên hữu ngư” (quanh năm no đủ). Ảnh: Lục Tùng

Vẻ đẹp tinh hoa từ thiên nhiên biển cả và bàn tay điệu nghệ, sáng tạo của con người đã đánh thức và khai sinh từ lớp vỏ xà cừ thành những tác phẩm mỹ thuật, mang ý nghĩa cát tường. Đó không chỉ là những chùm hoa e ấp nụ đan xen giữa những cánh bung xoà như cô gái vào độ xuân thì, mà còn có những hình tượng thiêng liêng trong đời sống tín ngưỡng… Đó là những tôn tượng phật bà trang nghiêm sắc từ bi; đức Di lặc rạng rỡ nụ cười toả sáng…

Tác phẩm “kỳ lân hí cầu” mang ý nghĩa cát tường. Ảnh: Lục Tùng
Tác phẩm “kỳ lân hí cầu” mang ý nghĩa cát tường. Ảnh: Lục Tùng

Vì thế không có gì quá lời khi nói rằng mỹ nghệ từ “Trai tai tượng” không chỉ là món quà, mà còn là món quà mang đậm dấu ấn Đảo Ngọc. Bởi không chỉ đẹp, nó còn mang lại cho người xem những đong đầy cảm xúc về chiều sâu của biển. Có dịp đến Phú Quốc, xin du khách hãy một lần trải nghiệm…

Theo Lao Động

Tin khác