Theo truyền thống của người Việt, Tết Đoan Ngọ trên bàn thờ dâng lên tổ tiên, ngoài các loại trái cây, rượu nếp, chè, xôi… người dân thường cúng thêm bánh ú tro để cầu cho mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Công đoạn đầu tiên để làm bánh ú là ngâm gạo nếp với nước tro trong khoảng 4 ngày. Tiếp đó là công đoạn làm nhân, chuẩn bị lá. Để bánh thêm ngon và hấp dẫn, người dân dùng đậu xanh ngâm nước, trộn với đường rồi nấu chín, sau đó vo tròn để làm nhân. Sau khi gói xong, bánh được luộc trong khoảng 3 giờ.
Ghi nhận của phóng viên, tại các xóm gói bánh ú lá nước tro truyền thống ở Quận 8, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Bình Tân trong những ngày này luôn nhộn nhịp và tất bật gói, nấu hàng nghìn chiếc bánh để giao cho khách hàng trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Có mặt tại lò bánh của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) từ sáng sớm, không khí gói bánh trở lên rôm rả gói bánh để kịp giao cho khách.
Chị Thanh cho biết: "Gia đình tôi làm bánh ú lá tre cũng được hơn 30 năm rồi. Từ mùng 1/5 Âm lịch, gia đình tôi đã bắt đầu làm bánh cho đến tết Đoan Ngọ. Năm nay, gia đình gói khoảng 5.000 bánh để giao cho các mối quen ở các chợ. Mỗi chục (12 chiếc) bánh ú nước tro nhân đậu xanh có giá 70.000 đồng".
Gần 40 năm gắn bó với nghề gói bánh ú nước tro, bà Lê Thị Em (61 tuổi, đường Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cho biết: "Năm nay, gia đình làm khoảng 28.000 bánh ú nước tro để bán dịp Tết Đoan Ngọ. Giá bán lẻ mỗi chùm bánh 12 cái là từ 75.000 - 80.000 đồng, còn giao mối thì 65.000 - 70.000 đồng. Hầu hết bánh làm ra bà đều giao cho mối quen, còn lại một số ít bán tại lò bánh".