Chiều 6/10, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Đoàn Văn Việt và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đồng chủ trì hội nghị trực tuyến bàn về việc mở cửa lại du lịch quốc tế.
Hội nghị có sự tham dự của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch và một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Vì vậy, khi đã kiểm soát cơ bản được dịch, việc khởi động lại du lịch là cần thiết.
Trong thời gian qua, Bộ VH,TT&DL đã có những chương trình làm việc với các địa phương và doanh nghiệp nhằm tái khởi động hoạt động du lịch nội địa sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bước sang giai đoạn chung sống an toàn với COVID-19.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch đang thực hiện công tác chuẩn bị thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây là bước mở màn, nếu tổ chức thành công sẽ tạo cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Sự tham gia, gắn kết của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút dòng khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam.
DU KHÁCH NGÓNG CHỜ THÔNG TIN TỪ VIỆT NAM
Cũng tại hội nghị, các vị đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Úc, Malaysia... đã thông tin về tình hình dịch bệnh, chương trình tiêm chủng ở nước sở tại.
Các quốc gia này đang kiểm soát tốt dịch bệnh, số ca nhiễm giảm dần, tốc độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 tăng nhanh, tiến tới sẽ đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Nhiều nước đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, mở lại các hoạt động đi lại, du lịch.
Các đại biểu cũng cho biết, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tâm lý khách quốc tế rất mong muốn và sẵn sàng đi du lịch trở lại, nhu cầu là rất lớn.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng cho biết, người dân Hàn Quốc đang có tâm trạng ngóng chờ đi du lịch quốc tế, nhiều người quan tâm đến du lịch Việt Nam, Phú Quốc và đang chờ những thông tin chính thức từ Việt Nam.
Còn theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, sau 2 năm bị hạn chế bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân Mỹ đang có nhu cầu lớn đi du lịch. Họ có thiện cảm và đánh giá cao Việt Nam về những giá trị phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực. Bên cạnh đó, rất nhiều bà con Việt kiều ở Mỹ cũng có nhu cầu về thăm quê hương. Những ưu tiên hàng đầu khi đi du lịch của người Mỹ là điểm đến an toàn, thân thiện, du lịch xanh, bền vững, mức bảo hiểm du lịch cao, linh hoạt trong hoãn, hủy chuyến, ứng dụng công nghệ trong du lịch.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Úc, Thái Lan cũng cho biết, trước dịch bệnh số lượng khách từ những nước này sang Việt Nam là khá lớn. Đến nay khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, người dân cũng đang có nhu cầu đi du lịch trở lại, nhất là đối với khách du lịch Nga khi mùa đông sắp tới.
Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng lưu ý, khách quốc tế rất quan tâm đến các quy định về nhập cảnh, kiểm dịch, cách ly cũng như đường bay thẳng.
Hội nghị trực tuyến bàn về việc mở cửa lại du lịch quốc tế do Bộ VH,TT&DL tổ chức
CẦN CÓ QUY TRÌNH KIỂM SOÁT Y TẾ THỐNG NHẤT
Theo các vị đại sứ, để mở cửa trở lại du lịch quốc tế, mối quan tâm chung của du khách đó là quy trình kiểm soát y tế, cách ly khi đến và khi về đối với khách quốc tế.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần có quy trình kiểm soát y tế thống nhất và ổn định để khách nước ngoài yên tâm khi đặt tour du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, các vị đại sứ cũng nhấn mạnh nếu thời gian cách ly kéo dài sẽ làm du khách ngần ngại đi du lịch.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết người dân Mỹ khi đi du lịch về nước không phải cách ly tập trung, thay vào đó là theo dõi ở nhà và xét nghiệm PCR. Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ thông tin người dân Đức nếu tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 khi nhập cảnh trở về cũng không phải cách ly tập trung. Các đại biểu đề xuất nên xem xét nới lỏng quy định thời gian cách ly đối với khách quốc tế khi nhập cảnh Việt Nam để thu hút du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu đều nhấn mạnh cần thúc đẩy việc công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine giữa Việt Nam với các nước để tạo điều kiện đón khách quốc tế vào Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thì đề xuất nên có chính sách đặc thù đối với Phú Quốc khi thí điểm đón khách quốc tế, mong muốn mở rộng các loại hình du lịch chuyên đề như kết hợp tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hội nghị kết nối khách hàng. Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng trao đổi, phối hợp với ngành du lịch để quảng bá các sản phẩm du lịch tiêu biểu trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Việc mở đường bay thẳng cũng là một trong những yếu tố được khách du lịch rất quan tâm. Các đại sứ đề xuất xem xét hình thành các “bong bóng du lịch” giữa Việt Nam với các nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết Nga đang đề xuất mở đường bay thẳng tới Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho rằng việc Vietnam Airlines và Bamboo Airways mở đường bay thẳng tới Mỹ là rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi đi lại giữa hai nước.
kKết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt hoan nghênh, đánh giá cao sự đồng hành của Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong suốt thời gian qua cũng như các ý kiến đóng góp rất hữu ích tại hội nghị này.
Thứ trưởng cho hay, hiện UBND tỉnh Kiên Giang đang chủ trì lấy ý kiến các bộ ngành về kế hoạch chi tiết thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Trong thời gian tới có thông tin chính thức sẽ cung cấp tới Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Sau Phú Quốc, có nhiều địa phương đang chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế như Khánh Hoà, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng... Qua đó, cho thấy vai trò tích cực của du lịch trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế.