Nhiều điểm du lịch mới sắp xuất hiện tại TP HCM

Thứ Năm, 06/10/2022 04:22
TP HCM đang xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để đón du khách quốc tế trong mùa cao điểm cuối năm

Ngày 5-10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cùng đoàn đại biểu đi khảo sát những điểm du lịch mới tại quận 11. Đây là quận tiếp theo của thành phố giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần tạo sự đa dạng cho điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế trong những tháng cuối năm 2022 và đầu 2023.

Đa dạng điểm đến

Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết thực hiện định hướng, chiến lược của UBND thành phố về tiếp tục hoàn thiện, nâng chất sản phẩm du lịch theo hướng mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức có ít nhất 1 sản phẩm du lịch, trong năm nay quận đã rà soát hệ thống tài nguyên du lịch để có phương án kết nối, xây dựng tour tuyến du lịch. Theo đó, tour "Quận 11 - Có một Chợ Lớn rất khác" đã được UBND quận và Công ty CP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt xây dựng với nhiều điểm đến mới lạ và hấp dẫn để giới thiệu tới du khách.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty CP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt, cho biết quận 11 không chỉ có há cảo và thuốc bắc mà còn có chợ Thiếc, ngôi chợ truyền thống chuyên mua bán các mặt hàng vàng bạc từ lâu đời. Đến đây du khách sẽ được tìm hiểu cách chế tác đồ thủ công của người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn từ ngày xưa. 

"Du khách cũng sẽ khám phá các nét huyền bí trong Khánh Vân Nam Viện Đạo quán - một đạo quán lớn nhất của người Hoa ở TP HCM, thỏa sức check-in với hình ảnh lung linh như trong các phim cổ trang. Hay trải nghiệm, học cách làm và thưởng thức sủi cảo tại phố ẩm thực Hà Tôn Quyền và nhiều điểm đến mới lạ khác đang chờ du khách khám phá" - ông Trần Quang Duy nói.

Nhiều điểm du lịch mới sắp xuất hiện tại TP HCM  - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát tham quan Thắng Nghĩa Tổ quán của đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường, quận 11, TP HCM

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đánh giá cao sản phẩm du lịch của quận 11 khi không chỉ tham quan điểm đến gắn với di tích lịch sử của vùng đất Sài Gòn - Gia Định mà trong tour này, du khách còn được trải nghiệm lối sống, văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng người Hoa. Khi những điểm đến này được hoàn thiện hơn nữa sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 4-10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát, kết nối tài nguyên du lịch quận Phú Nhuận, trong đó có kinh tế đêm. Với lợi thế sẵn có, quận Phú Nhuận mong muốn khai thác hiệu quả tuyến phố ẩm thực Phan Xích Long gắn với phát triển kinh tế đêm để thu hút du khách. Hiện quận Phú Nhuận đang xây dựng đề án xây dựng phố ẩm thực Phan Xích Long...

Tại buổi khảo sát này, bà Phan Thị Thắng cho biết thành phố sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để quận Phú Nhuận phát triển loại hình kinh tế đêm, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Bà Thắng cũng yêu cầu quận Phú Nhuận xây dựng kinh tế đêm phải bài bản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân tốt nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, đến nay đã có 12 quận, huyện trên địa bàn xây dựng và giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng đóng góp vào sự đa dạng, phong phú của điểm đến thành phố. Hiện Sở Du lịch TP HCM đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch khác gắn với phát triển du lịch về đêm, kinh tế đêm.

Ưu tiên đón khách tàu biển

Số liệu của Sở Du lịch TP HCM, trong 9 tháng của năm 2022, ngành du lịch đón hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế và trên 21,6 triệu lượt khách nội địa; doanh thu đạt hơn 92.300 tỉ đồng.

Những tháng cuối năm là mùa thấp điểm của khách nội địa sau một mùa hè bùng nổ nhưng lại vào mùa đón khách quốc tế. Do đó, việc TP HCM tiếp tục xây dựng, đầu tư thêm nhiều sản phẩm du lịch sẽ góp phần tạo sự hấp dẫn cho điểm đến. Cuối tuần qua, Công ty Tân Hồng - Viet Excursions đã đón đoàn 85 khách Pháp trên tàu Le Laperouse cập cảng TP HCM, là đoàn khách tàu biển đầu tiên sau gần 3 năm tạm ngừng các hoạt động đón khách du lịch tàu biển do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

"Tàu tuy không lớn, số lượng khách không nhiều nhưng đã báo hiệu sự phục hồi của ngành du lịch trên thế giới, sự khởi động của ngành dịch vụ du lịch có hiệu quả kinh tế cao, nhằm vào phân khúc khách du lịch cao cấp" - đại diện Sở Du lịch TP HCM nói.

Những năm trước đại dịch, lượng khách du lịch tàu biển đóng vai trò ngày càng quan trọng với ngành du lịch TP HCM. Thành phố đã trở thành điểm đến quen thuộc và hấp dẫn trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế lớn như Royal Caribbean Cruise Line, Princess Cruises, Costa Cruises, Viking Cruises... 

Sau đại dịch, thành phố vẫn xác định du lịch tàu biển sẽ là loại hình tiềm năng để thu hút du khách quốc tế trong tương lai. Do đó, ngành du lịch thành phố đang tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các chính sách thuận lợi nhất để ưu tiên đón các đoàn khách du lịch tàu biển nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm nay và những năm tiếp theo. 

Thống kê của 6 công ty khai thác thị trường du lịch tàu biển tại TP HCM, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (dịp mùa đông).

Trong đó, 70% lượng khách tàu biển cập cảng Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đi tour vào TP HCM. Cơ quan xuất nhập cảnh đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (e-visa).

Lãnh đạo Công ty Tân Hồng cho biết hiện ngành du lịch thành phố đã chính thức vào mùa đón khách tàu biển và dự kiến thị trường sẽ nhộn nhịp từ sau tháng 1-2023 với nhiều du thuyền đến từ Mỹ và các thị trường khác.

 

Theo Thái Phương (Người Lao động)

Tin khác