Ngành du lịch đã sẵn sàng, chỉ chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế

Thứ Ba, 15/03/2022 19:54
Chiều nay (15/3), Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố chính thức mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, tuy nhiên vẫn chờ quy định hướng dẫn về điều kiện y tế đối với du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Ngành Du lịch đã sẵn sàng chỉ chờ quy định hướng dẫn từ Bộ Y tế - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh thông tin tới báo chí về mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022 - Ảnh: VGP

Trong thời gian qua, cùng với sự vào cuộc hết sức tích cực, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và tất cả hệ thống chính trị, với những biện pháp quyết liệt về ngoại giao vaccine và tiêm chủng thần tốc, việc kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam đem lại kết quả tích cực. Thành tựu đó đã góp phần đưa cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường trong điều kiện bình thường mới.

Những tín hiệu đáng mừng trước khi mở cửa du lịch

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, nắm bắt cơ hội đó, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực triển khai cùng các địa phương, bộ ngành và đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong toàn ngành để nhanh chóng kết nối lại thị trường, chuẩn bị các điều kiện bước vào giai đoạn phục hồi mọi hoạt động kinh tế-xã hội trong đó có du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, kết thúc năm 2021, ngành du lịch đã phục vụ được 40 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong những tháng đầu năm 2022, toàn ngành du lịch chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lượng khách du lịch nội địa. Kết thúc tháng 2/2022, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 9,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 380%, trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu đạt 25.000 tỷ đồng trong dịp Tết vừa qua. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 2 tháng đầu năm đã đạt 17,6 triệu lượt khách.

"Đây là con số đáng mừng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh lưu trú, các loại hình vui chơi du lịch tái khởi động và để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho việc mở cửa lại du lịch", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Bên cạnh lượng khách quốc tế đi theo hộ chiếu vaccine từ khi triển khai thí điểm đón khách quốc tế, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đến thời điểm này Việt Nam đón hơn 10.000  khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine. Thời gian qua, lượng khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 49.200 lượt khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy ngành du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu có những giải pháp, biện pháp phương thức phù hợp để nắm bắt cơ hội trước bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã rất nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ nhiều lần và có những văn bản đề xuất, kiến nghị để nhanh chóng đến thời điểm 15/3 có phương án cuối cùng công bố cho bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp triển khai kết nối lại thị trường du lịch.

Ngành Du lịch đã sẵn sàng chỉ chờ quy định hướng dẫn từ Bộ Y tế - Ảnh 2.

Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch

Chính thức mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới

Kể từ ngày 15/3/2022 du lịch Việt Nam mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, mở lại toàn bộ hoạt động du lịch cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không và tại tất cả các cửa khẩu.

Đồng thời, khôi phục lại toàn bộ chính sách visa theo tinh thần Nghị quyết 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3, gồm công dân các nước: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đây là một trong những chính sách thích ứng kịp thời của Chính phủ nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới. Song song với đó là thống nhất về nội dung liên quan đến các quy định đối với khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa.

Đối với khách du lịch nội địa, triển khai theo đúng tinh thần số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và văn bản hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào. Các địa phương, các điểm đến sẽ công bố tổ chức đón khách phục vụ khách theo các cấp độ dịch. 

Vẫn chờ hướng dẫn về điều kiện y tế đối với khách quốc tế

Đối với khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các bộ, ngành trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có những biện pháp và phương án tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch.

"Tuy nhiên đến thời điểm này chúng tôi vẫn chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về phương án cuối cùng về điều kiện y tế đối với khách du lịch nước ngoài", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng, cần chia sẻ với lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch khi đứng trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều biến chủng nên việc thận trọng của ngành y tế đối với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch là cần thiết.

"Đứng trước bối cảnh và điều kiện đã thay đổi nhiều, cần có sự xem xét và ban hành những quy định phù hợp hơn đối với khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam. Tổng cục Du lịch sẽ cố gắng phối hợp cùng với các bộ, ngành để sớm ban hành nội dung chi tiết hơn", ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng cục Du lịch, để đáp ứng nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn mở cửa lại, trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay trở lại ngành để đáp ứng nhu cầu sau khi mở cửa, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động rà soát, tuyển dụng và bồi dưỡng nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Về dài hạn, Bộ sẽ tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực bảo đảm đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch. 

Đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho ngành du lịch. Để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và địa phương. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 của các cơ sở kinh doanh du lịch theo quy định và khuyến khích du khách sử dụng ứng dụng.

Theo Diệp Anh (Chinhphu.vn)

Tin khác