Kể từ thời điểm lệnh giãn cách xã hội về cơ bản đã kết thúc trên cả nước, các địa phương lần lượt mở cửa đón khách du lịch trở lại. Sau một, hai ngày đầu có phần còn băn khoăn, tính đến 30/4, các điểm đến nội địa "nóng" nhất hầu như đều hoạt động trở lại.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành Du lịch đã phải sống trong bầu không khí ảm đạm quá lâu. Nhiều người trong giới nhận xét Du lịch chính là ngành ảnh hưởng nặng nhất, hứa hẹn mất không ít thời gian để phục hồi sau những hậu quả mà Covid-19 gây ra. Giữa niềm vui khi các hoạt động du lịch rục rịch lăn bánh, nỗi lo về viễn cảnh "Cô-vy" trở lại vẫn khiến nhiều người trăn trở.
Tính tới 29/4, du khách đã có kha khá lựa chọn du lịch từ Bắc vào Nam. Dù một số dịch vụ còn hạn chế, điểm lợi khi du lịch dịp này là mức giá rất cạnh tranh được nhiều bên đưa ra.
Ở miền Bắc, Sa Pa (Lào Cai) là một trong những lựa chọn được du khách ưa thích nhất vì nhiều trải nghiệm thú vị, cơ sở lưu trú đa dạng từ bình dân tới xa xỉ. Kể từ 28/4, các điểm du lịch và cơ sở kinh doanh, lưu trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều được phép đón khách trở lại. Phía khu du lịch cáp treo Fansipan và khu du lịch sinh thái bản Cát Cát cũng ra thông báo sẵn sàng mở cửa phục vụ khách tham quan.
|
Sa Pa và nhiều điểm du lịch ở Lào Cai sẵn sàng đón khách trở lại. Ảnh: NatGeo. |
Bên cạnh Sa Pa, du khách có thể cân nhắc một chuyến du lịch Cao Bằng, Mộc Châu (Sơn La) hay Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tràng An (Ninh Bình)... Một số điểm du lịch ở ngoại thành Hà Nội, phục vụ hoạt động cắm trại cũng là lựa chọn tuyệt vời cho những chuyến tụ họp gia đình.
Tại miền Trung, các di tích, danh lam, thắng cảnh ở Thừa Thiên Huế đã hoạt động bình thường từ 28/4. Thông thường, du khách hay kết hợp chuyến đi Huế cùng Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam). Vào 30/4, Sunworld Bà Nà Hills, điểm du lịch "hot" bậc nhất Đà Nẵng, cũng sẽ mở cửa trở lại. Người dân được phép tắm biển nhưng cần tránh tập trung đông người. Nếu đến Hội An, bạn cũng có thể yên tâm bởi nhà hàng và khách sạn, homestay đều đã sẵn sàng đón khách.
Du khách có nhiều lựa chọn từ Bắc vào Nam dịp nghỉ lễ. Ảnh: Anh Tú. |
Sâu về phía trong, Bình Định, Phú Yên vừa đưa thông báo mở cửa các điểm du lịch, cho phép tắm biển. Phía Khánh Hòa vẫn cấm tắm biển nhưng đã mở lại tương đối điểm du lịch hút khách như tháp Bà Ponagar hay danh thắng Hòn Chồng...
Ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, những lựa chọn hàng đầu như Lâm Đồng, TP.HCM hay Kiên Giang... đều đã thông báo đón khách. Theo ghi nhận, lượng khách tới Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khá nhộn nhịp ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc.
Thực tế, các điểm du lịch mở cửa không đồng nghĩa với việc khách sẽ "ào ào" trở lại, dù đã sát dịp 30/4-1/5. Nhiều chủ khách sạn, homestay ở các điểm nóng du lịch như Đà Nẵng, Hội An... thừa nhận lượng khách giảm sâu so với cùng thời điểm hàng năm. Công suất phòng dịp 30/4-1/5 bình thường ở các điểm lưu trú phải đạt tới 90%. Tuy nhiên, con số 30-50% trong bối cảnh của năm nay cũng đã đủ khiến họ hài lòng.
Để hút khách, các cơ sở đều phải tung ra những mức giá rất cạnh tranh. Nếu đến Đà Nẵng thời điểm này, bạn hoàn toàn có thể thuê được một căn hộ đầy đủ nội thất ngay sát cầu Rồng với giá chỉ 400.000 đồng. Số tiền này vào cao điểm có lẽ chỉ đủ thuê một phòng trong khách sạn tầm trung.
Các dịch vụ du lịch hầu hết đều giảm giá để kích cầu dịp lễ. Ảnh: Uy Jun Pyo. |
Một chủ khách sạn ở Đà Nẵng lý giải địa phương này rất nhiều cơ sở lưu trú nên để hút khách cần phải giảm giá. Người này cũng chia sẻ du khách chỉ tốn khoảng 500.000-800.000 đồng để thuê phòng villa cho 2 người, bao gồm ăn sáng và bể bơi tại Hội An.
Tình hình khách lẻ không quá nhiều, khách đặt tour cũng chẳng khá khẩm hơn. Các doanh nghiệp thừa nhận chỉ mới "thức dậy" sau thời gian ngủ đông. Nhiều hãng lớn như Benthanh Tourist, Saigontourist hay Vietravel... đều chịu chung tình trạng vắng khách. Bên cạnh đó, các quy định an toàn về số lượng khách trong tour cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong khâu tổ chức.
Để giải quyết tình hình này, các đơn vị lữ hành phải thay đổi cơ cấu tour. Để đảm bảo quy định an toàn, tránh tập trung đông người, các tour bình thường đang được chuyển hướng sang những gói Free & Easy dành cho nhóm khách nhỏ (chỉ bao gồm khách sạn, phương tiện di chuyển).
Dù vậy, đây chỉ là những giải pháp cứu cánh tạm thời. Theo đại diện Benthanh Tourist, thời gian để phục hồi trở lại có thể kéo dài từ 6 tháng tới một năm, dựa trên kinh nghiệm từ đại dịch SARS 2003.
"Tôi sẽ không đi du lịch ngay thời điểm vừa mở cửa đón khách trở lại. Dù tình hình bệnh dịch đã ổn, việc đến những nơi đông người vẫn khiến tôi lo ngại. Tôi nghĩ mình sẽ xem xét việc du lịch trong vài tháng tới nếu tình hình vẫn tích cực như hiện nay", Tuấn Anh, một du khách từ Hà Nội, nói với Zing.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty AZA Travel, chia sẻ đây là tâm lý chung của không ít du khách. "Trong 20 năm làm nghề, tôi chưa từng chứng kiến một kỳ du lịch 30/4-1/5 ảm đạm như lúc này. Nếu trả lời báo chí vào thời điểm này hàng năm, tôi thường nói về tình trạng cháy tour, cháy phòng hay cảnh báo trước vấn đề chặt chém, kẹt xe...", ông Đạt bày tỏ quan điểm.
Khách du lịch chưa sẵn sàng cho những chuyến đi đến điểm đông người. Ảnh: Anh Tú. |
Ngoài nỗi lo bệnh dịch, việc đặt vé máy bay thời điểm này cũng khiến nhiều người hoang mang. Trong khoảng một tuần trở lại đây, những trường hợp đặt vé nhưng bất ngờ bị hủy chuyến liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngoài vấn đề lịch trình bị thay đổi, thủ tục bồi hoàn cũng khiến nhiều người e ngại.
Khi mở cửa du lịch, UBND các địa phương đều đã ra chỉ đạo rõ ràng, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Ở các điểm mở cửa, nhân viên đều được trang bị đồ bảo hộ và cung cấp đầy đủ dụng cụ sát khuẩn cho khách tham quan. Hoạt động kiểm tra thân nhiệt cũng cần đảm bảo tuyệt đối.
Dù vậy, ý thức một số người dân còn kém khiến công tác chống dịch gặp nhiều trở ngại. Trong vài ngày gần đây, hiện tượng người dân bất chấp lệnh cấm tắm biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) gây nhiều lo ngại cho việc mở cửa du lịch.
"Bệnh dịch này rất khó lường. Triệu chứng của Covid-19 không khác cúm là bao nên việc đến những nơi đông người vẫn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Tôi không phủ nhận các cấp chính quyền đã làm rất tốt việc đảm bảo dịch không bùng phát. Tuy nhiên, tập trung đến các điểm du lịch vẫn khiến tôi lo lắng", Hoài Anh, một sinh viên đang học tại Đà Nẵng, nói với Zing.
Trong thời điểm này, theo ông Đạt, xu hướng của người dân sẽ là những khu nghỉ dưỡng sát ngoại ô. Ưu điểm của các cơ sở này là chất lượng dịch vụ tốt, giới hạn người xung quanh nên sẽ đảm bảo an toàn hơn đến nơi đông người.
Câu hỏi Du lịch lúc nào hồi sinh là vấn đề được nhiều người quan tâm. Du khách cần những điểm đến an toàn còn doanh nghiệp muốn được ổn định kinh doanh.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa ra những kịch bản cụ thể. Trường hợp Việt Nam công bố hết dịch, ngành sẽ tập trung kích cầu thị trường nội địa bằng những chính sách miễn, giảm giá có thời hạn nhiều dịch vụ, gồm hàng không, lưu trú, phí tham quan... Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung vào phân khúc du lịch kết hợp kinh doanh để giải quyết công việc và triển khai chiến dịch "Du lịch Việt Nam an toàn"...
Việt Nam đã tính tới những kịch bản hồi phục ngành Du lịch. Ảnh: Anh Tú. |
Nếu Việt Nam và một số nước công bố hết dịch (khả năng cao khu vực châu Á sẽ hết sớm), ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh truyền thông và phát động chương trình "Việt Nam an toàn và hấp dẫn". Lúc này, ngành cần cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi ở những nước hết dịch. Phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc cần được chú trọng.
Nếu thế giới công bố hết dịch, Du lịch Việt Nam sẽ xúc tiến, quảng bá, triển khai nhiều gói kích cầu với khách nội địa lẫn quốc tế. Ngành cũng kiến nghị Chính Phủ tạo điều kiện thuận lợi cho khách tới nước ta, mở thêm đường bay quốc tế, miễn, giảm phí thị thực...