Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình cho rằng việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.
Theo ông Bình, người dân khát khao mở cửa lại du lịch không chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà còn để phát triển đời sống, kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí riêng của ngành mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước và cũng cho thấy năng lực của các bộ ngành trong việc đáp lại ý chí đó.
Nếu Chính phủ không thể hiện quyết tâm mở cửa thì người dân không thể theo. Mặt yếu nữa là thiếu nhất quán trong các chính sách giữa các địa phương, như các chính sách cách ly đối với người dân, chính sách xuất nhập cảnh của khách du lịch. "Tới thời điểm này, trách nhiệm đang đặt lên vai các doanh nghiệp du lịch, phải chứng minh chính sách mở cửa là đúng đắn. Chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn", ông Bình nói.
Cùng quan điểm với ông Bình, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định ngày hôm nay chúng ta không nhìn vào hậu quả của covid tác động đến du lịch ra sao mà nhìn vào tương lai của ngành, chúng ta đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" rồi.
Ông Khánh cho rằng, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội mở cửa trở lại rất lớn khi mà Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong bao phủ vaccine, qua hai năm phòng chống dịch người dân đã có ý thức phòng chống dịch, công nghệ trong chống dịch cũng dần được hoàn thiện,…
Chia sẻ trên tư cách là một người yêu du lịch và đam mê trải nghiệm, nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ niềm hân hoan của cộng đồng du lịch khi đọc được tin về lộ trình mở cửa du lịch từ 15/3.
Tuy nhiên, nhà báo cho rằng thời cơ vàng của du lịch Việt Nam phải nằm ở việc Việt Nam sẽ ứng xử với du khách thế nào bởi hiện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, chưa có hướng dẫn đón khách đồng bộ.
"Khi mở cửa du lịch, chúng ta phải tin tưởng du khách, coi họ là một cơ hội, không phải nguy cơ. Khi tôi đến các nước Đông Nam Á, họ đón tiếp tôi nhiệt tình, hoàn toàn không có sự lo ngại khả năng nhiễm bệnh", ông Trương Anh Ngọc nói.
Chia sẻ về tình hình du lịch thời gian, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc FLC, Tổng Giám đốc FLC Biscom cho hay, những ngày cuối năm cả hệ thống đã phải hoạt động hết công suất. Chỉ trong vài ngày đầu năm, FLC đã đón hơn 5 vạn lượng khách tại các quần thể, riêng tại FLC Quy Nhơn là 10.000 lượt khách lưu trú và hơn 20.000 du khách đến thăm quan tại FLC Zoo Safari Park. Một giải golf tổ chức ở Quảng Bình thu hút tới hơn 1.000 golfer trong 4 ngày.
Nhiều cơ hội để ngỏ nhưng theo ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ trước lộ trình mới. Thứ nhất là chính sách. Thứ hai là nhân sự. Thứ ba là sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu; thừa những sản phẩm chung chung, thiếu sản phẩm đặc trưng. Thứ tư là việc xúc tiến chưa hiệu quả do chưa định vị được thương hiệu quốc gia. Bốn điểm này cần tháo gỡ sau COVID thì mới khôi phục được hoạt động du lịch.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thảo Anh, Giám đốc Công ty KKDay Việt Nam vẫn còn băn khoăn: "Chúng tôi đã có tệp khách hàng trên 12 nước, tuy nhiên, những thông tin về chính sách mà chúng tôi nhận được trong thời gian vừa rồi khá hạn chế. Tôi có kiến nghị các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể rõ ràng, đảm bảo du khách thuận tiện trong việc làm visa, nhập cảnh để có thể triển khai các tour du lịch hiệu quả nhất".
Phản hồi trước các ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế, bộ, ngành liên quan để ban hành hướng dẫn kịp thời, chi tiết và sẽ sớm ban hành bộ hướng dẫn này.
Ông Khánh khẳng định cần khôi phục lại chính sách miễn visa, cấp visa,… như trước đại dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế trở lại Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2022, thậm chí hết năm 2023 để doanh nghiệp dành nguồn lực cho phục hồi", ông Khánh cho biết.
Về xúc tiến, quảng bá để khách du lịch đến với Việt Nam, Tổng cục Du lịch cũng đã làm việc với các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới như CNBC hay CNN để phát triển các chương trình truyền thông quảng bá du lịch và sẽ đẩy mạnh quá trình này trong thời gian tới.
"Chúng ta chậm nhưng chắc. Đối với tỉnh Bình Định, ngay khi Chính phủ có Nghị quyết 28, Bình Định cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Sẵn sàng ở đây không chỉ là quyết tâm chính trị, mà là sẵn sàng hành động. Với sự quyết tâm, đồng lòng, chúng ta sẽ mở cửa thành công, mang lại hiệu quả cao", ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.