Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, các hãng hàng không dù đã khôi phục được nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá nhiên liệu tăng phi mã trong suốt thời gian qua, doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không Việt Nam đạt 205.000 chuyến. Trong đó, bay quá cảnh đạt khoảng 66.700 chuyến, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong quý 2/2022, sản lượng vận chuyển khách nội địa liên tục tăng từ 10-15% qua từng tháng cũng như tăng gần 30% so với cùng thời điểm các tháng Hè 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 43,4 triệu khách, tăng 65,5%.
Riêng sản lượng khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt khoảng 21,4 triệu hành khách, tăng 62,4%. Trong đó, sản lượng khách nội địa là 20,8 triệu khách, tăng 57,3%.
Khách quốc tế đến Việt Nam không được như kỳ vọng
Mặc dù hàng không nội địa đang tăng trưởng rất tốt, song theo các hãng hàng không lợi nhuận từ mảng này không lớn, hàng không quốc tế vốn là mảng kinh doanh tạo lợi nhuận chính vẫn đang gặp khó.
Đơn cử như Hàn Quốc, thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp.
Thị trường Trung Quốc hiện chỉ được tăng thêm 1 chuyến/tuần, lên 2 chuyến/tuần do Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID-19. Còn các thị trường khác như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đang trong quá trình từng bước mở cửa.
"Mục tiêu đặt ra trong 6 tháng cuối năm là khôi phục tối đa các đường bay đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và tăng đường bay sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19", ông Thắng nói.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, tốc độ phục hồi đường bay quốc tế hiện không được như kỳ vọng. Thống kê cho thấy, số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,4 triệu lượt khách. Con số này chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỗi tháng, hàng không vẫn lỗ 100 tỷ đồng
Ngoài khó khăn về lượng khách quốc tế, các hãng hàng không cũng vô cùng "chật vật" vì giá nhiên liệu tăng cao. Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, theo tính toán, giá xăng, dầu tăng lên 1 USD, thì hãng mất thêm 12 tỷ đồng tiền phí nhiên liệu. Nếu thời điểm năm 2019, cơ cấu chi phí xăng dầu chiếm 28-29% tổng chi phí của Vietnam Airlines thì hiện tại, tỷ lệ này đã tăng lên 38-40%.
"Các hãng hàng không dù đã khôi phục được nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá xăng, dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua, doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí, ước tính, các hãng vẫn lỗ gần 100 tỷ đồng/tháng", ông Đinh Việt Thắng nói.
Đồng thời, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất giảm thuế môi trường, xăng dầu hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng và từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.
Trước đó, các hãng hàng không đã có kiến nghị về các biện pháp hỗ trợ ngành hàng không trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như việc: Giảm 100% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, kéo dài thời gian giảm các loại thuế, phí với ngành hàng không, nâng hoặc bỏ giá trần vé máy bay,...