Lo ngại 'sức khỏe' doanh nghiệp du lịch

Thứ Tư, 05/05/2021 13:34
Gần hai năm gắng gượng duy trì hoạt động trước các làn sóng COVID-19, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô, doanh thu lao dốc. Tuy nhiên, đó chưa phải điều đáng ngại nhất.

Tổn thất nặng nề

Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ thực hiện khảo sát Khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch sau COVID-19.

Cuộc khảo sát kéo dài từ cuối tháng 3 tới 11/4/2021 với 17 câu hỏi chia thành bốn nhóm vấn đề chính, xoay quanh tác động của dịch tới doanh nghiệp, đề xuất của doanh nghiệp cũng như dự đoán khả năng hồi phục. Có hơn 400 doanh nghiệp du lịch tham gia khảo sát của Hà Nội, TPHCM và 16 tỉnh/thành là điểm đến hàng đầu.

 Lo ngại sức khỏe doanh nghiệp du lịch  - Ảnh 1.

Đại dịch khiến hơn 40% lao động trực tiếp của ngành du lịch mất việc. Ảnh: KỲ SƠN

Doanh thu toàn ngành sụt giảm nghiêm trọng, với 23 tỷ USD mất đi trong năm 2020. Với doanh nghiệp du lịch, 56% trả lời rằng doanh thu 2020 chỉ còn ít hơn một phần tư so với 2019. Trong đó, doanh nghiệp du lịch nhỏ, siêu nhỏ, lữ hành quốc tế chịu tác động nặng nhất. Khoảng 35% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tạm đóng cửa. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, hoặc chuyển hướng sang kinh doanh nội địa hoặc chuyển đổi ngành nghề.Tác động đầu tiên của COVID-19 tới doanh nghiệp du lịch chính là giảm số việc làm. Từ một ngành kinh tế tạo ra 2,2 triệu lao động trực tiếp, doanh thu 30 tỷ USD/năm, thì tới tháng 3/2021 chỉ còn khoảng 61% số người lao động còn giữ được việc làm trong ngành so với trước đại dịch. 61% này đối diện nguy cơ không được làm việc toàn thời gian. Lĩnh vực chịu tác động lớn nhất là cơ sở lưu trú (61%), lữ hành quốc tế (60%) và bán hàng lưu niệm (58%).

Quá nửa số doanh nghiệp dự đoán hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào năm 2022. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của COVID-19, cùng với tỷ lệ tiêm vắc - xin chưa cao, phần lớn các doanh nghiệp chỉ dám lạc quan về trạng thái bình thường vào cuối 2022.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) mới đây một lần nữa nhắc lại hướng đi “du lịch nội địa vẫn là cứu cánh”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đứng trước bài toán đau đầu: khách nội địa chỉ chiếm khoảng 44% tổng doanh thu du lịch năm 2019.

“Đại dịch tác động nhiều mặt tới doanh nghiệp, họ không chỉ chịu thiệt hại về kinh tế mà còn mất mát tài sản đáng quý. Với nhiều ngành nghề trong đó có du lịch, con người mới là quan trọng. Lao động du lịch phải hội đủ ba yếu tố là kiến thức tốt, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp. Chờ tới thời điểm du lịch phục hồi, doanh nghiệp phải đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân sự trầm trọng”- ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB nêu.

Tạo “cần câu”

Câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động được đề cập ngay sau khi COVID-19 bùng phát năm ngoái. Thế nhưng tới nay khi “sức khỏe” ngày càng cạn kiệt, doanh nghiệp du lịch mong mỏi Chính phủ sớm có giải pháp lâu dài và bền vững để phục hồi hoạt động du lịch.

Hàng trăm doanh nghiệp tham gia khảo sát đóng góp sáng kiến để phục hồi du lịch, cũng như nêu mong mỏi được hỗ trợ để duy trì hoạt động. “Khảo sát của chúng tôi đặt ra ba yếu tố trong câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp: hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hỗ cho cho người lao động và hỗ trợ chính sách phục hồi du lịch lâu dài.

Đáng ngạc nhiên là doanh nghiệp không tập trung than vãn nhằm xin nhận tiền trợ cấp trực tiếp, thay vào đó họ mong muốn có chính sách miễn, giảm một số loại chi phí. Cái họ cần nhất là cho cần câu thay vì cho con cá”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV nói.

Ông Hoàng Nhân Chính cho biết, phần lớn doanh nghiệp đề xuất miễn, giảm thuế, phí, bảo hiểm hoặc giãn thời gian nộp thuế, phí, nợ ngân hàng. Cụ thể như giảm thuế đất, thuế tiêu thụ đặc biệt; giảm VAT xuống 5% trong năm 2021, 2022; giảm phí bảo hiểm; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho gia hạn nộp thuế/bảo hiểm không tính lãi trả chậm.

Một số doanh nghiệp đề nghị xem xét vấn đề ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành, chẳng hạn như khoản ký quỹ này cần được tính lãi ngân hàng cho doanh nghiệp hoặc hỗ trợ gói vay với lãi suất 0% bằng số tiền doanh nghiệp ký quỹ lữ hành.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành chung quan điểm cần được hỗ trợ để giảm chi phí.

“Nhà nước không thể rót vài chục nghìn tỷ đồng chi cho lao động, như thế vừa bất khả thi và thủ tục rất phức tạp. Cách tốt nhất là hỗ trợ giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Một trong những cách hỗ trợ tốt hơn nữa chính là hỗ trợ quảng bá du lịch nội địa, ổn định thị trường. Nói thực, doanh nghiệp trải qua nhiều đợt dịch quá mệt mỏi rồi, chúng tôi vẫn đang gồng lên để duy trì”, ông Dương Nghiệp Khánh, quản lý cấp cao của chuỗi khách sạn lớn ở TPHCM nêu.

Một trong những điều thú vị qua khảo sát còn ở chỗ, nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chú trọng tiêm chủng cho lao động ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn. Mong mỏi này hoàn toàn chính đáng, nhằm đảm bảo quy trình đón và phục vụ khách an toàn.

Lay lắt

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, Hiệp hội Du lịch từng gửi kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp lên Bộ VHTTDL. Bộ tiếp nhận ý kiến và gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư. "Tới nay doanh nghiệp trải qua nhiều đợt bùng phát vẫn gắng duy trì hoạt động, tiếp tục tin tưởng vào chính sách quyết liệt phòng, chống dịch của Chính phủ. Tuy nhiên ngành vừa hứng chịu cú hụt hẫng lần nữa khi dịch bùng phát trở lại. Du lịch vừa chớm có tín hiệu tốt và đang trên đà hồi phục, nay tiếp tục gặp khó khăn. Với một số địa phương đang an toàn, các doanh nghiệp và du khách tiếp tục thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cho du khách. Doanh nghiệp thực sự đang tiếp tục lay lắt phục vụ du khách trong mùa hè này", bà Khánh nói.

Theo Nguyên Khánh (Tiền phong)

Tin khác