Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết, sau thời gian chống dịch COVID-19, cả nước bước vào phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Du lịch nội địa phục hồi khả quan, với sự tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng năm 2022, tuy nhiên du lịch quốc tế chưa như kỳ vọng.
Xác định tầm quan trọng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) du lịch và các địa phương, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TPHCM đã huy động các DN hội viên, các đối tác trong cả nước tổ chức sự kiện liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam với chủ đề "Tăng trưởng du lịch quốc tế, phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam". Bên cạnh đó, tổ chức Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022 và các cuộc hội thảo để tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch Việt phát triển.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau 2 năm thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19; TPHCM đang tập trung mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế; tạo tiền đề, nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2023-2025, bảo đảm GRDP khoảng 8-8,5%/năm giai đoạn 2021-2025 như mục tiêu đề ra.
Trong đó, du lịch là ngành quan trọng trong nền kinh tế không chỉ bởi sự đóng góp của du lịch vào trong tổng thu kinh tế. Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp và mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, xã hội hóa cao, tạo ra nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển cho nhiều ngành khác nhau, thúc đẩy phát triển đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng. Du lịch còn là ngành kinh tế mang tính liên kết cao giữa các thành viên trong hệ sinh thái du lịch, bao gồm liên kết vùng giữa các địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá cao sự kiện liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam được tổ chức trong 2 ngày 8-9/8 tại TPHCM. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần phục vụ cho nhu cầu phục hồi du lịch quốc tế và ngành du lịch Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các hoạt động giao thương, gặp gỡ, đàm phán, ký kết hợp tác giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch, các điểm đến với các hãng lữ hành, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch từ thị trường truyền thống và các thị trường mới, góp phần cho du lịch Việt Nam bắt kịp xu hướng mới của du lịch toàn cầu sau đại dịch.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, diễn đàn lần này là dịp để cơ quan quản lý, các địa phương, hiệp hội và DN cùng lắng nghe nhau, tìm ra câu trả lời cũng như khắc phục được các điểm nghẽn mà ngành du lịch Việt đang gặp phải để cùng nhau đưa ngành du lịch Việt phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Nhìn nhận về quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành du lịch là điểm sáng trong quá trình hồi phục và phát triển của kinh tế đất nước, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của du lịch nội địa trong 7 tháng năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nhân lực ngành du lịch đang yếu, chưa đủ sức phục vụ sự phát triển nhanh của ngành; chúng ta mong muốn mở rộng du lịch nhưng phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia hiện nay. Các thị trường khách hàng truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga đang gặp những khó khăn. Một thách thức khách quan nữa là Việt Nam ở cạnh một số quốc gia có xu hướng phát triển du lịch mạnh, cạnh tranh trực tiếp với chúng ta.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ, hiện nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến ngành du lịch, với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, tuy nhiên không phải DN nào cũng tiếp cận được. Do đó, thời gian tới, các ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này hỗ trợ DN phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị ngành du lịch phải có tư duy mới và hành động mới; phải tính đến số hoá ngành du lịch. Xem xét du lịch ở góc độ và tư duy mới: "Hoà bình, hợp tác phát triển, xanh hoá, an toàn, thân thiện, số hoá".
Đối với các địa phương và DN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, muốn làm du lịch phải có sản phẩm du lịch, phải phát triển và làm mới sản phẩm du lịch. Du lịch văn hoá phải được đặt lên hàng đầu, bởi thế mạnh của Việt Nam nguồn tài nguyên văn hoá hết sức đa dạng. Văn hoá chính là linh hồn của dân tộc Việt.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch MICE, du lịch sinh thái, miệt vườn phải làm mới chứ không na ná giống nhau giữa các địa phương. Mỗi địa phương phải có 1 sản phẩm đặc sắc, xây dựng bản đồ số du lịch, xây dựng được chương trình hành động, ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho du lịch xanh, du lịch văn hoá; các địa phương đẩy mạnh liên kết với các DN lữ hành trên quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi để phát triển.
Về phía các DN cần tập trung rà soát chiến lược, tái cơ cấu, ưu tiên nguồn nhân lực theo đúng định hướng mà đại hội đồng cổ đông đề ra. Khai thác tối đa điểm đến theo cung cầu thị trường.
Về phía Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đề xuất với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các cơ sở pháp lý về du lịch cho phù hợp với quá trình vận động và phát triển của ngành; hoàn thiện cho được quy hoạch về du lịch, điểm đến khu du lịch tại các địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư.