Ngày hội được tổ chức luân phiên 2 năm/lần tại các huyện trung du và miền núi trong tỉnh, đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Bana, Chăm H’roi, H’rê trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Mở màn ngày hội là chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng của 6 đoàn ở các huyện: An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Tại ngày hội, già làng Đinh Văn Nhen, ở làng Te 4, xã Bok Tới, đại diện cho đoàn huyện Hoài Ân trình diễn lễ hội cúng cầu may của đồng bào Ba Na. Già Nhen cho biết, lễ vật để cúng cầu may gồm một con gà sống và một con gà đã nấu chín, một cây neo đâm trâu tượng trưng và vài ché rượu cần. Lễ cúng Cầu may là một nét đặc trưng của người Bana.
"Lễ Cúng cầu may được truyền bá trong người Bana, bất kể già, trẻ trong làng đều biết. Cầu may là nhằm cầu may mắn, mỗi người Bana đi đâu, làm gì được nấy. Phong tục này truyền từ thế hệ ông cha để lại.", Già Nhen bộc bạch.
Kết thúc nghi thức cúng cầu may, các thành viên trong đoàn và người dân cùng thưởng thức đặc sản rượu cần của đồng bào Bana. Tiếng cười nói, chia sẻ những ché rượu cần vang cả miền núi Vĩnh Thạnh.
Ông Đinh Văn Lịch, người dân tộc Ba Na ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định phấn khởi khi được tham gia trình diễn nhiều lễ hội dân gian của đồng bào mình tại ngày hội. Ông Lịch cho biết, thông qua ngày hội sẽ giúp gắn kết hơn giữ người Bana ở Vĩnh Thạnh và các đồng bào khác trong tỉnh.
“Vui lắm, phấn khởi lắm. Đáng lẽ ra năm trước tổ chức rồi, nhưng do dịch bệnh phải hoãn lại. Ngày hội đặc biệt này, bà con chuẩn bị mọi thứ từ trang phục cho đến những vật dụng hằng ngày của người Bana. Ban đầu là rất khó khăn, sau đó là rất hiểu ý nhau múa đều đoàn kết với nhau. Rất thỏa mái, phấn khởi lắm. Vì đây là phục vụ cho các dân tộc miền núi. Theo lời Bác là đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công.” ông Lịch cho biết.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, các hoạt động văn hóa thể thao phong phú, hấp dẫn mà nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của các dân tộc miền núi mang đến góp phần quảng bá và bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc miền núi của tỉnh. Ngoài ra, lễ hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động du lịch của tỉnh Bình Định, đặc biệt là giới thiệu về con người, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Bình Định.
"Đây còn là dịp để các đoàn giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu vốn văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc miền núi...", ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao tỉnh Bình Định cho biết.