Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Tết Nguyên tiêu Hội An.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An được hình thành từ lâu đời, là sự kế thừa sáng tạo của bao lớp cộng đồng cư dân Hội An, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An từ trong lịch sử cho đến hiện nay.
Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An mang nhiều giá trị riêng về lịch sử, văn hóa; có tác động lớn và sâu sắc đến đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư; được cộng đồng dân cư trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy tích cực. Lễ hội góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Quảng Nam nói riêng, của đất nước nói chung.
Suốt cả quá trình hình thành, nuôi dưỡng, phát triển qua hàng trăm năm bởi tình cảm và ý thức của cộng đồng cư dân Hội An đã hun đúc nên những giá trị đặc sắc của Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An để đến nay trở thành di sản văn hóa của dân tộc.
"Đây là niềm vui, niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hội An, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân - những chủ thể di sản đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam", ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến TP. Hội An phải quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản để những giá trị đó được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với bạn bè gần xa.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Lanh, giá trị đặc trưng của Tết Nguyên Tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa tại đô thị thương cảng quốc tế Hội An.
"Vì thế, Tết Nguyên Tiêu ở Hội An bao đời nay không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng người Hoa cùng tổ chức các nghi thức tế lễ, các sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng trong dịp này, tạo thành một lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân Hội An", ông Lanh nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, vào dịp Tết Nguyên Tiêu tại Hội An, ở mỗi cộng đồng địa phương có tục lệ cúng tế riêng nhưng có cùng một đặc điểm chung đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị phật, các vị thần, tiền nhân,... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời tổ chức lễ hội mừng Xuân để chuẩn bị bước vào một năm mới với bao ước vọng tốt đẹp. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài xin lộc đầu năm ở nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn thành phố và các hội quán trong khu phố cổ Hội An.
"Trải qua thời gian, các tập tục, lễ nghi trong Tết Nguyên Tiêu ở Hội An tiếp tục được vun đắp, tô bồi những giá trị mới nhưng vẫn còn bảo tồn, gìn giữ được những yếu tố cơ bản, riêng có. Cho đến nay, Tết Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội truyền thống, tập tục lớn đầu năm của Hội An luôn được cộng đồng cư dân phố Hội nâng niu gìn giữ, phát huy trở thành một mỹ tục, một tập quán tốt đẹp và là "phần hồn" không thể tách rời của khu đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An", ông Lanh cho biết.
Trước khi diễn ra lễ đón nhận danh hiệu, sáng sớm cùng ngày, đoàn rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An đã tổ chức diễu hành trên các tuyến đường trong khu phố cổ.
Hiện nay, thời gian diễn ra Tết Nguyên tiêu ở Hội An bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng. Vào dịp này, tại các di tích đình làng, miếu xóm, tổ chức lễ kỳ yên đầu năm, cầu cho dân làng bình an, mùa màng bội thu, mưa gió thuận hòa và cũng là dịp cúng tế các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai khẩn vùng đất, lập làng xã.