Lấp khoảng trống thiếu hụt nhân sự du lịch

Thứ Năm, 28/07/2022 09:55
Sau thời gian chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, nhưng đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân sự. Khoảng trống này cần sớm được khỏa lấp.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao rất căng thẳng. Ảnh: Chí Cường

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao rất căng thẳng. Ảnh: Chí Cường

Lỗ hổng nhân sự

Sau 4 tháng Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành trơn tru bởi thiếu nhân sự, dù đã liên tục đăng tin tuyển dụng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2020, có tới gần 60% số lao động du lịch phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc. Năm 2021, chỉ có 25% số lao động làm đủ thời gian; 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; 35% tạm nghỉ việc; 10% làm việc cầm chừng.

Ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cho biết, sau hơn 2 năm Covid-19, phần lớn lao động du lịch đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nay du lịch mở cửa, có những người quay lại, nhưng cũng có nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn, nên không muốn quay lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao vô cùng căng thẳng.

Các doanh nghiệp du lịch đang phải cạnh tranh gay gắt trong khâu tuyển dụng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau, mà với cả các ngành nghề khác. Nguồn nhân lực du lịch phân tán mạnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt lượng lao động bổ sung mới. Bên cạnh đó, do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án xác định 3 nhóm giải pháp lớn, gồm: nhóm giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân lực ngành du lịch, phát triển nguồn nhân lực của ngành thích ứng với đại dịch và chuẩn bị cho sự phục hồi; nhóm giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phát triển.

“Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú tại khách sạn, mà phải “bán” trải nghiệm. Chúng ta không thể mang đến cho du khách trải nghiệm tuyệt vời nếu thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch đang phải thu hút nhân tài tiềm năng được đào tạo bài bản và lao động có trình độ bằng mức lương hậu hĩnh”, ông Năng chia sẻ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang phối hợp các cơ sở đào tạo du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp lữ hành, trong trường hợp thiếu hướng dẫn viên du lịch quốc tế, giải pháp tình thế là tuyển chọn ký hợp đồng với sinh viên các trường ngoại ngữ hoặc sinh viên du lịch có ngoại ngữ tốt, đào tạo cấp tốc chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng theo từng tour, tuyến cụ thể để họ có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của khách...

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, ngành du lịch Việt Nam muốn đạt chất lượng cao thì trước tiên, phải có đội ngũ nhân sự chất lượng. “Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để có chương trình đào hướng đến thực hành nhiều hơn, giúp sinh viên khi tốt nghiệp là có thể làm được việc luôn, doanh nghiệp không mất công đào tạo lại như hiện nay”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.

Đào tạo theo hướng thị trường cần

Nhân sự du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. TS. Nuno Ribeiro, giảng viên cao cấp, Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) chỉ ra rằng, tình trạng mất cân bằng cung - cầu đối với lao động có trình độ đã là vấn đề nan giải của ngành kinh tế xanh từ lâu.

“Trước đại dịch, số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch (đào tạo nghề hoặc tương đương), 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy”, TS. Nuno Ribeiro dẫn chứng.

Do đó, theo chuyên gia này, công tác đào tạo nhân sự mới cho ngành du lịch Việt phải đi theo hướng thị trường cần. Ví dụ, xét về kỹ năng ngoại ngữ, thì thành thạo tiếng Anh là yêu cầu hiển nhiên. Tuy nhiên, khi các thị trường truyền thống bị thu hẹp, người lao động cần có khả năng sử dụng các ngoại ngữ khác nhằm phục vụ du khách từ các thị trường mới.

“Trong điều kiện bình thường mới của ngành du lịch, kỹ năng giao tiếp xuất sắc, kiến thức về an toàn, công nghệ thông tin và du lịch thông minh càng được chú trọng”, TS. Nuno Ribeiro nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng nhân sự du lịch được chuyên gia này chia sẻ là đưa ra ưu đãi thuế cho các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về du lịch và khách sạn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có cơ sở vật chất tốt và phù hợp cho việc đào tạo nhân sự du lịch, nhưng họ cần hỗ trợ về chi phí. TS. Nuno Ribeiro cho rằng, nếu huy động được sự tham gia của các tổ chức này, thì quy mô đào tạo sẽ được mở rộng, chất lượng được nâng cao, từ đó khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam.

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho rằng, trước mắt, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn, nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu, dự báo sự phát triển và nhu cầu của thị trường để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cần bám sát yêu cầu trong Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để định hướng các đơn vị trong tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm.

“Đặc biệt, cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại với ngành du lịch thông qua việc bảo đảm về lương, môi trường làm việc, xây dựng chính sách lương theo năng lực để khuyến khích nhân viên tự học nâng cao kiến thức, kỹ năng…”, bà Bình nói.

Theo Hồ Hạ (Báo Đầu tư)

Tin khác