Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" năm 2020 ở Bến Bình Đông - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chúng ta có 108 chợ hoa khắp thành phố thì chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" có gì khác biệt? Trước hết, cái tên đã là khác biệt. Thứ hai, đây là chợ đầu mối. Và điều rất đặc biệt là ở đây là có không gian trên bến dưới thuyền, kết hợp thêm một dọc nhà kho cũ và những kiến trúc xưa rất đẹp.
Ông VÕ TRỌNG NAM (phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM)
Đây là năm đầu tiên chợ hoa này được HĐND TP.HCM đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của thành phố.
Trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 26-1, bà Nguyễn Thị Thu Hoa - phó chủ tịch UBND Q.8 - cho biết chợ hoa xuân Bến Bình Đông đã được người dân duy trì từ sau năm 1975, từ những người buôn bán nhỏ, cung cấp những cây, hoa, trái đặc sắc của nhiều vùng miền đến người dân thành phố vào những dịp tết cổ truyền.
Đến năm 2012, qua khảo sát, Q.8 đã triển khai thành chuỗi hoạt động hội hoa xuân của quận nhiều năm nay. Và năm nay, để phát huy nét đặc trưng riêng có của hoạt động mua bán trên bến dưới thuyền, chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" đã được đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của TP.HCM.
"Chợ hoa xuân này hằng năm có trên 500 nhà vườn từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp… đến tham gia kinh doanh và trưng bày sản phẩm với nhiều chủng loại cây, hoa kiểng phong phú" - bà Thu Hoa nói.
Theo kế hoạch, chợ hoa trên lề kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (tuyến đường Bến Bình Đông) sẽ có hơn 590 lô kinh doanh các loại hoa, cây kiểng, trái cây chưng tết phục vụ bà con tham quan, mua sắm.
Lễ khai mạc chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" được chọn vào thời điểm đỉnh cao mua bán của chợ, vào tối 6-2, tại sân khấu chính trên đường Nguyễn Văn Của. Từ ngày 7 đến 10-2, tại chợ hoa sẽ có hàng loạt chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, cải lương, múa rối, kịch nói, hát bội, biểu diễn lân sư rồng…
Đặc biệt, 16h-18h từ ngày 6 đến 10-2 sẽ có biểu diễn đờn ca tài tử trên 2 ghe bầu (loại ghe chở hàng đặc trưng của Nam Bộ) chạy dọc tuyến kênh Tàu Hủ.
Ông Nguyễn Hoài Hương - trưởng phòng tổ chức lễ và sự kiện Sở VH-TT TP.HCM - cho biết thêm ban tổ chức đã thực hiện trang trí các tiểu cảnh tại đây để người dân tham quan và "check-in".
Trong đó, tiểu cảnh ở hẻm 505 Bến Bình Đông tuy nhỏ nhưng ấm cúng, mang bóng dáng của Sài Gòn - Gia Định xưa với phố ông đồ, biểu diễn gói bánh chưng, bánh tét; tiểu cảnh những dãy nhà cổ với xe lam, taxi ngày xưa; tiểu cảnh trưng bày những loài hoa đặc sắc của Đà Lạt…
"Đặc biệt, Q.8 đã vận động được 79 hộ dân ở đây cùng trang trí, hoa cây kiểng trước nhà tham gia hội thi nhà hoa với chủ đề Sắc xuân. Bên cạnh đó, tàu thuyền của thương nhân, nhà vườn sẽ tham gia hội thi Thuyền hoa.
Nghĩa là người dân không chỉ chở hoa đến đây để bán mà có ý thức làm đẹp, trưng bày sao cho thẩm mỹ, bắt mắt, từ đó cũng tác động đến việc họ có ý thức giữ gìn vệ sinh chung" - ông Hoài Hương nhấn mạnh.
Ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở VH-TT, cho biết TP.HCM có ba lễ hội dân gian tiêu biểu là lễ hội Nghinh ông Cần Giờ, lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa Q.5 và lễ hội chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền".
"Chợ hoa này có lịch trình gần giống những chợ hoa khác họp chợ 15 âm lịch và kết thúc trưa 30 tết. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, tính toán để sắp tới kéo dài nét đẹp riêng biệt của không gian "trên bến dưới thuyền" để công chúng trong những ngày tết có thể đến ngắm bến sông, chợ hoa trên sông" - ông Nam nói.