Không người dân nào biết rõ Giếng Ngọc do ai xây dựng và vào thời điểm nào, chỉ biết nó đã có mặt từ rất lâu trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân bản địa.
Khi được hỏi về nguồn gốc của giếng Ngọc, các cụ già trong làng móm mém kể lại câu chuyện cũ từ xa xưa. “Tôi nghe từ lời các cụ ngày xưa, rằng từ rất lâu rồi, có một người mẹ trên đường bồng đứa con nhỏ về quê đã nghỉ chân tại nơi đây trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Lúc đó, đứa con nhỏ khóc quấy ngằn ngặt vì khát sữa. Thế nhưng người mẹ vừa hiếm sữa, lại vừa mệt mỏi vì đường xa nên không biết lấy gì để dỗ dành đứa bé. Bỗng cô bị thu hút bởi một giếng nước trong vắt. Không ngần ngại, người mẹ tu một hơi dài cho thoả cơn khát. Vừa uống xong, người mẹ liền cảm nhận được sự khác lạ, bầu ngực của cô bỗng dưng căng tràn sữa. Có được dòng sữa ngọt lành, đứa bé liền ngừng khóc và mỉm cười.”
Tuy nhiên, người mẹ trong truyền thuyết kể trên là ai thì cũng không người nào biết rõ. Nhưng phần lớn, các cụ ông cụ bà trong làng từ xa xưa đều truyền tai nhau rằng đó là huyền thoại mẹ Âu Cơ dẫn năm mươi người con lên rừng. Trên đường đi, bà gặp cơn nắng cháy đã chọc gậy thành giếng, cấp nguồn nước ngọt lành cho con mình đủ sức mạnh đi tiếp cuộc hành trình về non cao tìm gặp Vua cha.
Truyền thuyết về giếng Ngọc - hay còn gọi là giếng sữa mẹ Âu Cơ đã ra đời như vậy.
Nước giếng Ngọc quanh năm trong vắt, vị ngọt mát và tinh khiết vô cùng. Điều kỳ lạ là giếng không bao giờ cạn. Năm này qua tháng nọ, nước giếng vẫn luôn ăm ắp đầy. “Tiếng lành đồn xa”, không ít bà mẹ đã rỉ tai nhau câu chuyện nếu không có sữa cho con bú thì có thể đi làm lễ tại giếng Ngọc, thành tâm nguyện cầu là sữa sẽ “về”.
Nhiều nhà ngoại cảm từng đến thăm giếng Ngọc đã cho rằng, sự kì diệu và linh thiêng của giếng Ngọc có lý do riêng, mà đôi khi con người chúng ta chưa thể lý giải được. Có thể chiếc giếng cổ này nằm đúng long mạch của vùng, linh khí hội tụ, nên quanh năm lúc nào cũng có nước. Mạch nước cũng như mạch máu trong cơ thể con người, khi một chỗ nào bị mất máu, máu ở các chỗ khác sẽ truyền đến lấp đầy và mạch nước ở giếng Ngọc cũng vậy.
Đối với người dân bản địa, nhiều người không quan tâm nhiều đến lời giải thích của các nhà ngoại cảm. Bởi, điều quan trọng nhất với họ, đó là ở địa phương Lâm Đồng có một báu vật đáng tự hào, cần được coi trọng, gìn giữ không những cho các thế hệ mai sau, mà còn để giới thiệu truyền thuyết con rồng cháu tiên của người dân Lạc Việt đến với rộng rãi các bạn bè quốc tế.