Kỳ 6: Sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi có cơ hội

Thứ Ba, 06/04/2021 08:00
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, an toàn cho người dân, cộng đồng, xã hội được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các DN du lịch cũng cần sẵn sàng đẻ đón khách quốc tế ngay khi có cơ hội.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch: Đón khách du lịch quốc tế không phải là việc riêng của ngành du lịch mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương. Ảnh VGP

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết, ngành du lịch đóng góp gần 10% GDP. Tuy nhiên dịch COVID-19 trong năm 2020 và đầu năm 2021 đã khiến gần 1 triệu lao động trong ngành du lịch bị mất việc và 4-5 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Mặc dù du lịch nội địa được coi là ‘cứu cánh’ cho thị trường ở thời điểm hiện tại nhưng về mặt doanh thu, thị trường trong nước với hơn 80 triệu khách (so với 18,5 triệu khách du lịch quốc tế) chỉ đóng góp chưa đến 40% tổng doanh thu toàn ngành. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án để thí điểm, tiến tới từng bước đón khách du lịch quốc tế trở lại là rất cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát. Đây là giải pháp cần nghiên cứu chặt chẽ, đầy đủ, thận trọng nhưng phải rất khẩn trương nếu chúng ta không muốn bỏ lỡ cơ hội phục hồi và phát triển của các ngành kinh tế, trong đó đối với du lịch là đặc biệt quan trọng.

“Phải hiểu rằng, nếu không có du lịch quốc tế thì ngành du lịch sẽ rất khó phục hồi. Đây là việc cực kỳ quan trọng để mang lại sức sống cần thiết cho ngành”, ông Kiên nói.

Để “mở cửa” cho du lịch quốc tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất đón khách du lịch đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và tạo “hành lang” với những nước khả năng chống dịch tốt, không lây nhiễm cộng đồng và sẵn sàng mở cửa với Việt Nam.

“Vào mùa hè, những điểm đến Phú Quốc, Nha Trang rất hút khách trong nước. Nếu chúng ta thử nghiệm đón khách quốc tế đến đó thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến du lịch nội địa. Cách tốt nhất là chọn những vùng tương đối cách xa, sân bay không lớn, ít ảnh hưởng hoặc những khu nghỉ dưỡng không phụ thuộc quá nhiều vào khách nội địa để thử nghiệm.

Đối với du khách quốc tế, bên cạnh việc đã có hộ chiếu vaccine, tại nơi nghỉ dưỡng, du khách quốc tế cũng cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và được xét nghiệm định kỳ. Những người làm việc, phục vụ tại các khu du lịch phục vụ khách nước ngoài nên được tiêm vaccine phòng COVID-19, được xét nghiệm định kỳ”, ông Trần Trọng Kiên chia sẻ.

Tuy nhiên, việc đón khách du lịch quốc tế không phải là việc riêng của ngành du lịch mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương. Hiện có rất nhiều câu hỏi cần được nghiên cứu kỹ liên quan đến vấn đề vaccine như khả năng, thời gian miễn dịch và có đáp ứng được những biến chủng mới hay không; việc kết nối với những nền tảng chia sẻ dữ liệu của những người được tiêm vaccine phòng COVID-19 trên thế giới…

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch vẫn sẽ tìm mọi cách để tồn tại, phục hồi và chờ đợi những cơ hội để phát triển trở lại.

“Đặc biệt hiện nay, khi nhiều nước đang xem xét hướng khôi phục du lịch quốc tế nhờ “hộ chiếu vaccine”, thì Việt Nam cũng không được “chậm chân” trong lĩnh vực này. Chúng ta phải nghiên cứu, xem xét cẩn thận, nghiêm túc, đề cao sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết nhưng cũng phải lo phát triển”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

Sự chủ động, tích cực của một ngành kinh tế năng động sẽ quyết định sự hồi phục nhanh hay chậm. Vì vậy, ngành du lịch cần tận dụng tất cả những cơ hội dù nhỏ nhất, theo hướng tích cực nhất để thích ứng và phát triển.

Theo Chinhphu.vn

Tin khác