Kinh tế Việt Nam bứt phá sau đại dịch

Thứ Hai, 30/05/2022 09:03
Trong khi một số nước vẫn còn đang phải căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang sôi nổi trở lại, kinh tế Việt Nam phục hồi với tốc độ nhanh chóng, số liệu thống kê về kinh tế-xã hội của Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của thị trường.
Kinh tế Việt Nam bứt phá sau đại dịch - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư sau đại dịch

Đây là đánh giá trong bài viết vừa được đăng trên Tuần báo Kinh tế, Nhật báo Nhân dân Trung Quốc.

Bài báo dẫn lại số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố ngày 29/3, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2022 của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 4,72% của quý I/2021 và mức 3,66% của quý I/2020. Trong đó, ngành nông lâm thủy sản tăng 2,45%, đóng góp vào mức tăng trưởng chung 5,76%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Theo tác giả bài viết, kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đã mở ra cho Việt Nam những triển vọng phát triển tốt đẹp. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong số các thành viên của RCEP. Báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered khẳng định việc tham gia RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bài báo cũng đặt ra các câu hỏi: Hệ thống công nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nào? Là một mắt xích trong chuỗi sản xuất châu Á, Việt Nam đang chiếm vị trí nào? Liệu Made in Vietnam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới trong tương lai?

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý đầu tiên

Bài báo ghi nhận, năm 2021, để đối phó với dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt nhất. Điều này đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, các biện pháp hạn chế dần dần được nới lỏng, hoạt động kinh doanh được trở lại, kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có bước khởi sắc đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I/2022 tăng rõ rệt, GDP quý I đạt 92,175 tỷ USD, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (4,8%) và Singapore (3,4%).

Chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Bài báo điểm lại từ năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, thu hút vốn và công nghệ sản xuất của nước ngoài, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong nước. Năm 2001, Việt Nam bắt đầu thực hiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường và chính sách mở cửa đã làm thay đổi một Việt Nam bị bao vây cấm vận thời gian dài.

Theo bài báo, Việt Nam cải cách mở cửa dựa trên môi trường đầu tư thuận lợi, đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và công nghệ. Ngay từ năm 2000, nhiều thương hiệu đẳng cấp thế giới như Nike, Adidas, Apple và Samsung đã thành lập xưởng sản xuất tại Việt Nam. Với một số lượng lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngành sản xuất của Việt Nam đã trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trên thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính nước này.

Kể từ đó, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao hơn, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh triển khai chính sách đầu tư nước ngoài.

Kinh tế Việt Nam bứt phá sau đại dịch - Ảnh 2.

Bốn tháng đầu năm nay, 72 quốc gia và khu vực đã đầu tư vào Việt Nam

Bài viết trên Tuần báo Kinh tế cũng nhận định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đưa ra luôn thuận lợi hơn chính sách đầu tư nước ngoài của Trung Quốc và có điều kiện môi trường tốt hơn như miễn thuế đất, chi phí lao động tương đối thấp… đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đợt đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh chóng, đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Năm 2022, khi các hạn chế về dịch bệnh được nới lỏng, tốc độ tăng trưởng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ còn tăng tốc hơn. Đồng thời, với sự gia tăng của đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoạt động ngoại thương của Việt Nam cũng sẽ phát triển nhanh chóng.

Bài báo dẫn số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút hơn 10,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái; các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bốn tháng đầu năm nay, 72 quốc gia và khu vực đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9%.

Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 năm 2022 là 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu cũng tăng 15,5% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, chủ yếu là điện thoại di động, máy vi tính, máy móc và hàng dệt may với giá trị xuất khẩu đạt 105,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế Việt Nam bứt phá sau đại dịch - Ảnh 3.

Bài viết nguyên gốc bằng tiếng Trung đăng trên Tuần báo Kinh tế, Nhật báo Nhân dân Trung Quốc

RCEP và CPTPP mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Bài báo có đoạn, với việc RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, các tổ chức quốc tế nhìn chung tin rằng hiệp định này sẽ mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và Việt Nam là quốc gia hưởng lợi chính từ RCEP.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự đoán Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong các thành viên RCEP.

Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2025, thuế suất thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam sẽ giảm từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi thuế suất thuế xuất khẩu sẽ giảm từ 0,6% xuống 0,1%. Theo kịch bản lạc quan nhất, tận dụng mọi lợi thế, mức thu nhập của Việt Nam sẽ tăng 4,9%, cao hơn so với các thành viên RCEP khác. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 11,4%, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu sẽ đạt 9,2%.

Báo cáo cũng cho biết Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên RCEP, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều nằm trong khuôn khổ hiệp định này. So với hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác, RCEP có phạm vi cam kết rộng hơn, mức độ tự do hóa và tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, việc triển khai RCEP được cho là sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo Báo cáo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered “Việt Nam-RCEP: Cơ hội và thách thức”, việc trở thành thành viên RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19. Báo cáo dự đoán sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vào năm 2022 đầy hứa hẹn và nền kinh tế có thể tăng trưởng 6,7%, nhưng dịch COVID-19 vẫn là một nguy cơ lớn không thể chủ quan.

Bài viết trên Tuần báo Kinh tế cũng khẳng định, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14/1/2019 đã giúp cho hàng “Made in Vietnam” càng có thêm niềm tin.

Theo đó, các nước thành viên CPTPP nhất trí miễn thuế từ 97% đến 100% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam tuân thủ các quy tắc xuất xứ. Ví dụ, đối với ngành dệt may, sau khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu về xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu bằng 0. Quan trọng hơn, việc Việt Nam tham gia CPTPP có thể thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. RCEP và CPTPP là môi trường cơ bản cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Chinhphu.vn

Tin khác