Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 10,7 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 9,5 triệu bệnh nhân đã khỏi bệnh. Số ca mắc mới đang có xu hướng giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau mắc COVID-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.
Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh đối với người dân nói chung và người sau khi mắc COVID-19, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố, thủ trưởng y tế ngành tiếp tục đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc COVID-19; thực hiện theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành.
Trong đó, thực hiện khám, chữa bệnh thường quy và khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc COVID-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo cách tiếp cận đa khoa, chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa (đặc biệt chú ý về lĩnh vực hô hấp, tim mạch, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng...), bảo đảm các chỉ định phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Các cơ sở y tế, sở y tế các địa phương, y tế ngành phải tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân và nhân viên y tế hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng sau mắc COVID-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tư vấn sức khỏe cho người dân về phương pháp phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám, chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc chấn chỉnh nếu cần thiết.
Bộ Y tế giao thủ trưởng các đơn vị có giường bệnh tổng hợp báo cáo về tình trạng hậu COVID-19 và báo cáo Bộ Y tế để tiếp tục đề xuất cập nhật hướng dẫn chuyên môn, giúp tối ưu hóa kết quả điều trị.
Trước đó, tại Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (hậu COVID-19) do Bộ Y tế ban hành định nghĩa, mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc COVID-19, được mô tả là một cảm giác quá tải hay kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.
Theo đó, mỗi người nên xây dựng một kế hoạch linh hoạt cho phép hoạt động trong khả năng hiện tại của mình và tránh bị quá tải. Sau đó, mức độ hoạt động có thể được tăng dần lên một cách có kiểm soát theo thời gian, khi mức năng lượng và các triệu chứng được cải thiện.
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nhấn mạnh, nếu sau mắc COVID-19, tình trạng mệt mỏi kéo dài mặc dù đã tự điều chỉnh về nhịp độ và các hoạt động ưu tiên, ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, kèm theo một số triệu chứng như: Mệt mỏi sau khi làm việc gắng sức và kéo dài trên 24 giờ, ngủ không yên giấc, suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung, đau cơ, đau nhiều khớp nhưng không sưng, nóng, đỏ, đau họng hoặc loét miệng, đau đầu... thì người dân cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bộ Y tế cũng nêu rõ những biến chứng y khoa có thể xuất hiện trong quá trình phục hồi sau mắc COVID-19 và cần sự thăm khám y tế khẩn cấp nếu người bệnh xuất hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm như: Khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở nào; có sự thay đổi tình trạng khó thở khi bạn nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục; thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực; tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói; thấy thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể, và/hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi hoặc có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.