Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Chủ Nhật, 29/05/2022 13:57
Sáng 29/5, Quận Ba Đình tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt "Thăng Long tứ trấn" cho cụm di tích Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh.
Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn cho Đền Voi Phục và Đền Quán Thánh - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, TP. Hà Nội, đông đảo nhân dân địa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đền Voi Phục nằm về phía Tây thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) được xây dựng vào năm 1065, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, một dũng tướng, có công lớn đánh giặc Tống xâm lược nước ta ở thế kỷ XI, giữ cho "Quốc thái dân an". Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang đã hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên – Mông từ phương Bắc. Ngài được vua Trần sắc phong "Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần".

Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Rước Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào Đền Voi Phục - Ảnh: VGP

Hai bên cổng đền Voi Phục có bia hạ mã và đôi voi chầu phục. Phía trước lối đi giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thủy tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng. Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây "chạm tròn" bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực.

Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, TP. Hà Nội dâng hương tại Đền Voi Phục - Ảnh: VGP

Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên ngày nay) và phố Quán Thánh trông ra hồ Tây, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây theo kiểu nội "đinh", ngoại "quốc", ngoài cùng là nghi môn tứ trụ, tiếp đến là gác chuông nơi treo quả chuông được đúc vào năm Đinh Tỵ đời Lê Hy Tông (1677), phía trong là tòa đại bái và hậu cung.

Hai bên tả, hữu tòa đại bái có treo biển đồng "Đề Chân Vũ quán", do vua Thiệu Trị ngự đề. Điều đặc biệt ở đền Quán Thánh là ở hậu cung đặt pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677. Pho tượng cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng có đầu tròn, đội mũ ni, tai to, khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài… toát lên thần thái của một đạo sĩ.

Ngoài pho tượng đồng nổi tiếng trên, đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác: Chiếc khánh đồng từ thời Tây Sơn, đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng vạc đồng, lư hương đồng… và 52 bộ hoành phi câu đối từ các thời.

Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 4.

Rước Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào Đền Quán Thánh - Ảnh: VGP/Đình Nam

Với tấm lòng thành kính, tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiên liệt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Ba Đình luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Trải qua gần 20 năm liên tục, được gìn giữ, tôn tạo, hàng chục di tích lịch sử của quận Ba Đình, trong đó có 2 đền Voi Phục và Quán Thánh đã được hoàn thành với quy mô như ngày nay với tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định địa phương sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích trên địa bàn quận, đặc biệt là đối với 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Voi Phục và đền Quán Thánh. Cùng với đó, tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của thành phố xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, góp phần đưa di tích trở thành một địa điểm tham quan, nghiên cứu, khám phá lý thú và hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.

Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 5.

Đông đảo người dân dâng hương tại Đền Quán Thánh - Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị quận Ba Đình tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt; rà soát bổ sung nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích là công trình phục vụ nhân dân; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong di tích, lợi dụng nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật.

Ban Quản lý di tích đền Voi Phục, đền Quán Thánh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi "Thăng Long tứ trấn", địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo Chinhphu.vn

Tin khác