Kiểm soát đầu vào ngừa du khách bỏ trốn

Thứ Sáu, 05/07/2019 08:31
Những điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... bắt đầu siết lại chính sách cấp visa sau khi nhiều du khách mua tour rồi trốn ở lại.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa hủy bỏ, đình chỉ có thời hạn tư cách đại diện xin cấp visa đoàn của 8 công ty du lịch vì vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết. Đây là tin không vui với ngành du lịch Việt Nam mà nguyên nhân có thể do du khách mua tour đến Nhật rồi trốn ở lại.

Thiệt thòi cho khách du lịch

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt, nhận xét Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản không cho biết lý do hủy bỏ, đình chỉ tư cách xin visa của các công ty du lịch. Tuy nhiên, Nhật Bản rất nghiêm khắc với trường hợp công ty lữ hành có sơ sót, để khách trốn ở lại khi sử dụng visa đoàn. Khách du lịch theo diện visa đoàn phải tuân thủ hành trình du lịch và về cùng đoàn theo đúng thời gian khai báo xuất cảnh, nhập cảnh.

Kiểm soát đầu vào ngừa du khách bỏ trốn - Ảnh 1.

Khách hàng mua tour tại Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: LINH ANH

Trước đó, Công ty Du lịch Vietravel thông báo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa của Chi nhánh Vietravel Hà Nội trong vòng 6 tháng. Trong năm 2018, Vietravel đã tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật Bản du lịch, riêng Chi nhánh Vietravel Hà Nội một vài khách không về lại cùng đoàn hoặc về sau đoàn.

Đại diện Vietravel giải thích việc du khách cố tình ở lại không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến chính sách du lịch Việt Nam, các nước sẽ khắt khe hơn trong việc cấp visa du lịch. Do đó, kể từ cuối năm ngoái đến nay, công ty đã tăng cường nhiều biện pháp hơn nữa để không xảy ra tình trạng này.

Đây không phải lần đầu tiên khách đi tour du lịch rồi không về cùng đoàn khiến công ty lữ hành bị vạ lây. Từ ngày 10-6, Hàn Quốc đã tạm ngưng cấp thị thực 5 năm cho các trường hợp có giấy tờ lưu trú theo dạng sổ tạm trú tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Nguyên nhân là do theo các số liệu thống kê từ phía Hàn Quốc, tỉ lệ làm giả sổ tạm trú và tỉ lệ người sinh sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc theo dạng visa 5 năm tăng mạnh. Trước đó, cuối năm 2018, 152 du khách Việt mua tour du lịch rồi bỏ trốn khiến Đài Loan phải ngưng chính sách visa Quan Hồng cho các công ty du lịch. Tháng 3-2019, Đài Loan mới mở lại chính sách này nhưng đi kèm một số điều kiện chặt chẽ hơn.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan du lịch, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã chỉ định một số công ty du lịch tại Việt Nam được đại diện xin cấp visa cho đoàn khách đi tour. Để được vào danh sách này, các đơn vị phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của nước sở tại và luôn bảo đảm khách đi và về cùng đoàn, theo chương trình được định sẵn.

Không dễ sàng lọc hồ sơ

Để cạnh tranh thu hút khách mua tour, nhất là ở những điểm đến hấp dẫn với du khách Việt, các công ty đều tạo điều kiện cho khách về chuẩn bị hồ sơ xin visa, tư vấn hướng dẫn thủ tục chính xác. Tuy nhiên, hiện tượng một số đối tượng lợi dụng con đường du lịch để trốn ở lại nước ngoài vẫn xảy ra.

Khi du khách có ý định sử dụng visa du lịch để trốn ở lại định cư, tìm việc làm, thăm thân..., họ thường chuẩn bị rất tinh vi về hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng minh công việc, thu nhập. Thậm chí khách đã đi nhiều tour đến các nước có chính sách visa khắt khe để tạo sự tin tưởng. Các công ty được ủy thác xin visa rà soát hồ sơ dựa trên kinh nghiệm nên dễ gặp rủi ro khi khách cố tình lợi dụng visa du lịch để trốn ở lại, nhất là các thị trường sôi động về xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

"Chưa kể, một số công ty du lịch lớn thường xuyên tổ chức tour du lịch khen thưởng cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đặt tour để tri ân đại lý, nhà phân phối, bạn hàng và có nhiều trường hợp những khách này không đi tour mà sang nhượng hoặc bán cho người khác… khiến việc rà soát và lọc hồ sơ khách càng khó khăn, phức tạp hơn" - ông Long phân tích.

Theo các công ty du lịch, việc nhận định khách hàng có ý định lợi dụng đi tour để trốn ở lại hay không rất khó khăn. Với những khách có nhu cầu đi du lịch thuần túy, việc bị siết chặt hồ sơ, kiểm soát đầu vào của các công ty du lịch lại vô tình khiến khách hàng bị làm khó và không muốn nộp các giấy tờ theo quy định. 

------

Đại diện Lữ hành Saigontourist, cho rằng chính phủ của từng quốc gia có quy định riêng về visa. Các công ty du lịch không nên lấy việc xin visa đơn giản để quảng cáo cho khách khi tư vấn bán tour, vì như thế sẽ càng tạo cơ hội cho các đối tượng khách không phù hợp tham gia mua tour. 

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau