Hai ngày cuối tuần vừa rồi, các khu du lịch như danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Non Nước, núi Sơn Trà... chỉ lác đác vài chục người bản địa đến tham quan.
"Vào dịp này những năm trước, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hàng trăm đoàn du khách đến tham quan mỗi ngày. Nhưng năm nay dịch diễn biến phức tạp cùng với đó là mưa gió liên tục nên khách du lịch hầu như rất ít. Mỗi ngày chỉ vài đoàn", ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, thông tin.
Theo ghi nhận của PV, trong 2 ngày cuối tuần, tại khu du lịch Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng chỉ lèo tèo vài đoàn khách. Người đến đây chủ yếu là giới trẻ, dân địa phương...
Họ lên đây để chụp ảnh chim, voọc hoặc hàn huyên. Vào buổi chiều, một số người trung niên, lớn tuổi đạp xe tập thể dục.
Chùa Linh Ứng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trụ trì chùa này cho biết hơn tháng qua chỉ có ngày đầu tháng và rằm âm lịch là có khách đến thắp hương, lễ Phật, còn khách phương xa thì chưa có.
"Khi chưa có dịch, cứ đến ngày cuối tuần thì du khách đến đây đông nghịt. Nhưng năm nay dịch Covid-19 liên tục bùng phát nên tâm lý chung của người dân là ngại đến chốn đông người", một nhà sư ở chùa Linh Ứng tâm sự.
Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn hầu như không có khách đến tham quan. Ảnh: Nguyên Vũ
Dọc tuyến đường ven biển Đà Nẵng cũng rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách. Các nhà hàng, quán xá, cơ sở kinh doanh dịch vụ mở cửa nhưng thực khách vắng tanh. Phía xa khơi, thi thoảng có vài tàu thuyền đánh cá, không còn cảnh chen chúc tắm biển như xưa.
Tại khu vực trung tâm thành phố, bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng chỉ lác đác người địa phương đến tham quan. Theo thống kê của các đơn vị quản lý, hơn một tháng mở cửa, 2 bảo tàng này chỉ đón gần 300 lượt khách.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận các điểm tham quan thời điểm này chủ yếu đón khách tại chỗ, còn người ở địa phương khác chưa hào hứng với việc đi du lịch vì dịch còn phức tạp.
"Hiện nay cũng không phải là cao điểm du lịch của thành phố. Đà Nẵng mở cửa nhằm tái khởi động sau thời gian đóng băng. Dự kiến, từ dịp Noel (ngày 24/12) trở đi, khách đi du lịch mới bắt đầu nhộn nhịp trở lại với điều kiện dịch bệnh không bùng phát", ông Dũng nhận định.
Gần hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch nên hầu hết hoạt động kinh doanh, trong đó có du lịch bị ngưng trệ. Đầu tháng 11 năm nay, khi dịch được kiểm soát, chính quyền Đà Nẵng cho phép các cơ sở kinh doanh mở cửa đón khách.
Tuy nhiên, theo các chủ nhà hàng, quán xá, cơ sở dịch vụ thì dân Đà Nẵng vốn chỉ có hơn một triệu người. "Khách Đà Nẵng không nhiều. Do đó, chỉ khi lượng khách trong và ngoài nước đông trở lại thì chúng tôi mới buôn bán được", chị Linh, chủ một nhà hàng ven biển Đà Nẵng, chia sẻ.
Quán xá ở Đà Nẵng ế ẩm vì ngành du lịch đóng băng. Ảnh: Nguyên Vũ
Người phụ nữ này cho biết đã mở cửa kinh doanh hai tháng nhưng thu nhập không đủ cho các khoản chi hàng ngày. "Khi dịch chưa bùng phát, nhà hàng của chị đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện nay chỉ vài đoàn khách đến nhà hàng dịp cuối tuần. Còn ngày thường hầu như không có thực khách", chị Linh phân trần.
Cùng hoàn cảnh, bà Thanh, chủ một cơ sở kinh doanh đá mỹ nghệ ở đường Huyền Trân Công Chúa (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cũng chỉ mở bán cho "vui cửa, vui nhà". Bà chủ này nói hàng mỹ nghệ chủ yếu bán cho khách thập phương.
"Nay không có khách nên kinh doanh bị ế ẩm. Hy vọng những tháng cuối năm dịch sẽ được kiểm soát để việc kinh doanh khá hơn chứ như thế này thì chỉ có đường dẹp tiệm", bà Thanh than thở.
Ông Nguyễn Thành Hoạt, chủ một một nhà hàng ở đường Võ Nguyên Giáp còn bi đát hơn vì kinh doanh ế ẩm mà chủ cho thuê mặt bằng vẫn không giảm giá.
Người đàn ông này kể mỗi tháng phải chi khoảng 70 triệu đồng, chưa kể chi phí điện, nước. "Kinh doanh mà không mở cửa thì cũng không được. Nhưng mở bán mà mỗi ngày chỉ thu được vài triệu, không đủ chi phí nên tôi cũng tính chuyện trả lại mặt bằng, dừng kinh doanh một thời gian", ông Hoạt nói.