Khánh Hoà cần làm gi để trở thành cực tăng trưởng về du lịch ở khu vực Nam Trung Bộ?

Thứ Sáu, 31/12/2021 18:30
Vào ngày 31/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Chính trị khóa XI.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. 

Cụ thể, kinh tế địa phương tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực; Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng.

Khánh Hoà cần làm gi để trở thành cực tăng trưởng về du lịch ở khu vực Nam Trung Bộ? - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp. Một số cơ sở công nghiệp và hạ tầng quan trọng được hình thành như Nhà máy nhiệt điện Sumitomo Vân Phong, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Khu công nghiệp Suối Dầu. Hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đạt một số kết quả bước đầu. 

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thông tin, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Cụ thể, địa phương đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và ưu điểm vượt trội đó, ông Nguyễn Hải Ninh cũng thừa nhận, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. 

"Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững", ông Ninh nhận định.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển văn hoá - xã hội còn bất cập. Thu nhập bình quân đầu người thấp; nguy cơ tái nghèo cao, nhất là tại những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số…

Khánh Hoà cần làm gi để trở thành cực tăng trưởng về du lịch ở khu vực Nam Trung Bộ? - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh.

"Đây chính là lực cản khiến cho Khánh Hòa khó có thể bứt phá trong thời gian tới", Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà nhấn mạnh. 

Trước tình hình đó, GS.TS.NGND Lương Công Nhớ, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của kinh tế Khánh Hòa, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Theo đó, dịch vụ logistics là ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Khánh Hòa trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực là, thách thức, nhưng cũng là yêu cầu tự thân của Khánh Hòa trong không gian phát triển và vị trí địa lý được ưu đãi…

Còn theo ông Nguyễn Đình Chúc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, mục tiêu của các cơ chế chính sách đặc thù chung đối với Khu kinh tế (KKT) Vân Phong là nhằm tăng cường đóng góp cả về kinh tế và xã hội của của khu cho tỉnh Khánh Hòa, bao gồm đóng góp cho GDP, đóng góp vào tổng thu ngân sách, tạo việc làm, giữ chân cư dân và nâng cao kỹ năng và trình độ của lao động địa phương. 

Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hướng tới xây dựng một KKT cạnh tranh dựa trên các ngành tập trung có lợi thế tự nhiên mạnh mẽ; thu hút các nhà đầu tư mỏ neo ngay từ giai đoạn đầu; tận dụng thời điểm quan trọng để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 và bắt đầu đa dạng hóa kinh tế ở Khánh Hòa; và trở thành một nơi thử nghiệm các chính sách tiên phong và đột phá của Việt Nam.

Liên quan đến việc phát triển du lịch, PGS.TS. Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết, một điểm đáng ghi nhận khác trong tiến trình phát triển TP. Nha Trang - Khánh Hòa thực sự trở thành "Trung tâm du lịch" của vùng và tiến tới của quốc gia là việc thực hiện vai trò "hạt nhân" trong liên kết vùng.

Khánh Hoà cần làm gi để trở thành cực tăng trưởng về du lịch ở khu vực Nam Trung Bộ? - Ảnh 3.

PGS.TS. Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam.

Cụ thể là việc hiện thực hóa ý tưởng chiến lược "Tam giác tăng trưởng du lịch" Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt thông qua việc phát xây dựng và đưa vào hoạt động Quốc lộ 27C và trong tương lai gần là tuyến đường cao tốc nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt và đường ven biển nối TP. Nha Trang với TP. Phan Rang. 

Kết luận tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh khẳng định, với vị trí đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa, địa phương phát triển không phải chỉ riêng cho Khánh Hòa mà còn cho cả vùng và cả nước. Qua đó, Khánh Hoà cần xác định những trụ cột chính để xây dựng và phát triển địa phương, hướng tới là một trong những trung tâm lớn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin khác