|
Quang cảnh lễ khai mạc Chương trình |
Xúc tiến tiêu thụ nông sản chất lượng của Hà Nội
Đây là lần đầu tiên ngày hội livestream được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, bao gồm cả người nông dân sản xuất, các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng nông sản của Hà Nội. Chuỗi sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản ở nhiều nơi có dấu hiệu bị đình trệ và có nguy cơ bị đứt gãy.
Tại sự kiện, có 10 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản trực tiếp giới thiệu những đặc sản OCOP đạt tiêu chí “Ba sạch, Bốn sao”, đồng thời giới thiệu về quy trình sản xuất, chế biến an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như chia sẻ những câu chuyện văn hóa kết tinh trong từng sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng.
Tính đến hết năm 2020, toàn TP.Hà Nội có 1.054 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được đánh giá, phân hạng. Con số này vượt chỉ tiêu đề ra của Hà Nội là đến năm 2020 có từ 700 đến 1.000 sản phẩm. |
“Thay vì phải giải cứu nông sản một cách bị động và dễ gây tổn thương đến người nông dân, hình thức “bán hàng không tiếp xúc” được tổ chức nhằm hỗ trợ các chủ thể kinh doanh kết nối và lan tỏa những giá trị nông sản Việt đến người tiêu dùng thông qua thương mại điện tử trực tuyến” - ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội nhấn mạnh.
|
MC Thảo Vân và đại diện doanh nghiệp tham gia livestream sản phẩm |
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội xác định phát triển kênh phân phối, quảng bá, kết nối giao thương và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên cơ sở ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để giúp bà con nông dân, các chủ thể sản xuất kinh doanh có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng thông qua hình thức livestream.
“Sự kiện được tổ chức thành công là cơ sở để thúc đẩy phát triển chuỗi nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP hội nhập bền vững với chuỗi nông sản quốc tế trong thời đại kỷ nguyên số” - ông Nguyễn Văn Chí nhận định.
Tại Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội, ngoài việc yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt Thông điệp 5K của Bộ Y tế, Ban tổ chức cũng kêu gọi các chủ thể đăng ký tham gia dành tối thiểu 10% doanh thu bán hàng trong thời gian diễn ra sự kiện để ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. |
Kết nối giá trị thương mại, giá trị nhân văn
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ TP.Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
|
Bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ TP.Hà Nội |
Do đó, Ngày hội livestream là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có động lực vượt qua khó khăn, cũng như tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm OCOP an toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp, bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng để giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí để có nguồn lực tài chính tốt hơn nhằm phát triển doanh nghiệp, phát triển hợp tác xã, giải quyết việc làm cho người lao động.
Tại đây, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã tích cực hỗ trợ để 8/10 chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia sự kiện. Chương trình thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, Chính phủ. Với giá trị nhân văn như vậy, tôi tin rằng các doanh nghiệp đều cảm nhận được và sẽ có thêm động lực vượt qua khó khăn.
Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ TP. Hà Nội cũng đang tập trung tổ chức các hoạt động kết nối để tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hà Nội do phụ nữ làm chủ. Tại địa điểm Số 1 - Hoàng Văn Thụ, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội), rất nhiều sản phẩm nông sản đã được trưng bày, giới thiệu để người tiêu dùng trực tiếp tìm hiểu về sản phẩm.
Đồng thời, Trung tâm cũng hỗ trợ nông dân ở các vùng sâu, vùng xa, các tỉnh đang vào đợt cao điểm thu hoạch nông sản kết nối tiêu thụ sản phẩm, như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), khoai lang tím (Vĩnh Long)… Thông qua hệ thống của Hội Liên hiệp phụ nữ từ Thành phố đến các khu dân cư đã tạo cơ hội tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản cho người nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm còn huy động nguồn lực mua rau, củ, quả mà các doanh nghiệp, hợp tác xã không tiêu thụ kịp để gửi vào bếp ăn của các cơ sở cách ly tập trung.
“Tuy nhiên, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ vẫn rất gian nan. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, đồng hành để kết nối tiêu thụ, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nhân nữ mang lại nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới” - bà Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh.
Ý kiến doanh nghiệp:
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Từ Tâm: Trước đây, chúng tôi chỉ bán hàng trực tiếp, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi đã tìm cách đa dạng hóa kênh phân phối, bán lẻ bằng hình thức bán hàng online qua mạng xã hội và facebook. Tại sự kiện này, Công ty đã tập trung giới thiệu với người tiêu dùng những thực phẩm sạch, hữu cơ… để người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty CP sữa nông trại Ba Vì: Trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng đã hạn chế chi tiêu, lưu thông hàng hóa tới các địa phương cũng khó khăn hơn nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử, với doanh nghiệp chúng tôi, doanh số bán hàng cho khách du lịch giảm 100%. Tuy nhiên, bên cạnh việc bán hàng theo hình thức truyền thống (bán trực tiếp), chúng tôi đã phát triển bán hàng online trên fanpage, website, livestream… Doanh số bán hàng online đang chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp
Hiện nay, tuy giá cả nguyên vật liệu tăng cao, thậm chí tới 20-30%, nhưng chúng tôi vẫn duy trì giá bán như cũ, mục đích của chúng tôi là đảm bảo việc làm, giữ chân người lao động, duy trì nguồn khách hàng hiện có và phát triển khách hàng mới nhằm tăng doanh số trong tương lai.
Do đó, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho 50 người lao động. Để việc lưu thông hàng hóa tới các tỉnh, thành được thuận lợi, chúng tôi luôn đảm bảo các nhân viên vận chuyển, bán hàng thường xuyên xét nghiệm Covid-19.
Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội là hoạt động rất ý nghĩa, nhân văn và thiết thực, giúp doanh nghiệp và hàng triệu hộ nông dân có cơ hội thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, các tổ chức giúp người nông dân và các doanh nghiệp có thêm nhiều chương trình kết nối giao thương để quảng bá sản phẩm, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn hơn của người tiêu dùng.