Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi làm việc.
Buổi làm việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 5770/VPCP-KTTH ngày 15/7/2020, Công văn số 5877/VPCP-KTTH ngày 20/7/2020 và Công văn số 6771/VPCP-KGVX ngày 12/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Tại các công văn này, Chính phủ giao Bộ VHTTDL tham mưu đề xuất gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, để vừa hỗ trợ người dân, vừa kích cầu nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch.
Theo Tổng cục Du lịch, trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã có bước phát triển nhanh và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới các mặt đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Du lịch là ngành chịu tác động nặng nề nhất sau 2 đợt bùng phát của dịch bệnh.
“Kéo theo đó, các doanh nghiệp du lịch hiện đang rất khó khăn, nhiều lĩnh vực ngành nghề khác liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết.
Để tháo gỡ vấn đề này, tháng 5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động trên toàn quốc Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình này đã mang lại một hiệu ứng tích cực giúp cho lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh trong các tháng 6, 7 và 8. Qua đó đã góp phần duy trì hoạt động trở lại của các doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch đã chịu thiệt hại kép khi vừa khôi phục lại các hoạt động thì phải đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ 2.
Tổng cục Du lịch cho biết thêm, việc kích cầu du lịch nội địa gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn tâm lý e ngại trong việc đưa ra quyết định đi du lịch. Vì vậy, cần có những chính sách mới, hấp dẫn hơn để thu hút khách du lịch nội địa từ nay đến cuối năm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, đề xuất các chính sách hỗ trợ, kích cầu ngành Du lịch sau khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát là việc làm cấp bách hiện nay.
Theo đó, cần phân tích kỹ lưỡng tình hình để từ đó đưa ra các gói kích cầu phù hợp theo tiêu chí phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao trong bối cảnh cơ cấu lại sản phẩm du lịch sau COVID-19.
"Quan điểm là Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc phục hồi, phát triển ngành Du lịch nói riêng và ngành kinh tế của đất nước nói chung"- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.