|
Cách trung tâm Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 7 km theo hướng quốc lộ 20 lên đèo Prenn, hồ Tuyền Lâm có diện tích khoảng 320 ha với phong cảnh nên thơ từ làn nước xanh biếc, các ốc đảo nhỏ và rừng thông xanh rì. Hồ nước ngọt rộng nhất xứ ngàn hoa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia năm 1998. |
Là nơi hòa quyện giữa sông và suối, núi đồi và rừng nguyên sinh, bức tranh thiên nhiên hồ Tuyền Lâm thanh bình, hiền hòa mà dung dị. Sự yên tĩnh nơi đây như đưa du khách lạc vào thế giới khác, thiên đường tao nhã nên thơ, tránh xa bụi bẩn, ồn ào của phố thị. |
Năm 1987, Tổng công ty thủy lợi Lâm Đồng xây dựng hồ nước chắn ngang suối Tía gọi là Quang Trung, về sau đổi tên thành hồ Tuyền Lâm. Tuyền là suối, còn Lâm là rừng. Tuyền Lâm nghĩa là nơi sông suối, núi rừng giao hòa với nhau. Theo thuyết ngũ hành, thủy sinh mộc, Tuyền Lâm còn là nơi vạn vật khởi đầu sự sống, sinh sôi nảy nở. |
Sớm tinh mai, màn sương mờ mờ giăng kín hồ làm tăng nét ảo mộng, huyền bí cho bức họa Tuyền Lâm. Những ray nắng xen qua màn sương, chiếu rọi xuống mặt hồ càng tạo nên vẻ thơ mộng, thấm đượm chất tình như một bài thơ chau chuốt từng câu từ của người thi sĩ yêu cái đẹp thuần khiết. |
Bên cạnh vẻ đẹp vẹn nguyên như hồ ngọc giữa rừng thông thuở ban sơ, Tuyền Lâm càng cuốn hút với rừng cây ngập nước trong làn sương sớm đầu xuân. Rừng chò ngập nước tại nhánh hồ này là điểm sáng tác "cực phẩm" của nhiều nhiếp ảnh gia. Xuân về, những hàng cây chò ra chồi non mơn mởn, thấp thoáng hình bóng liêu xiêu, nhấp nhô trên mặt hồ. |
Ngày đầu xuân lạnh giá, mặt hồ tĩnh lặng trắng xóa màu sương trở nên sống động, có hồn hơn với cây chò cô đơn, người lái đò cùng chiếc thuyền nhẹ trôi tạo nên khung cảnh đẹp như tranh thủy mặc xưa. |
Du khách đến hồ Tuyền Lâm có thể dạo chơi hoặc nằm thư giãn trên bãi cỏ quanh hồ và thả hồn theo cảnh vật phóng khoáng. Sương sớm còn đọng lại trên vạt cỏ cũng là góc ảnh thi vị để các nhiếp ảnh gia sáng tác, bắt trọn khoảnh khắc ban mai. |
|
Hồ Tuyền Lâm nói riêng và Đà Lạt nói chung vẫn luôn "đẹp sẵn" như thế. Chẳng cần phải dùng mỹ từ kiêu sa để miêu tả, bức tranh phố núi cứ lặng lẽ đi vào trái tim người sáng tác. Anh Bùi Huy Tưởng, tác giả của bộ ảnh, chia sẻ: "Đà Lạt trong tôi là những sớm mai bình yên, khi giọt sương còn đọng trên cỏ lá. Những ông bà cụ dạo quanh ngoài hồ đón ánh nắng ban mai. Còn đấy tĩnh lặng của dòng sông nấp sau núi rừng, ray nắng xen qua hàng thông và trong lòng mình cảm thấy bình an". |