Lặn xuống biển, bạn được ngắm san hô cùng những đàn cá tung tăng - Ảnh: T.T.D.
Nơi đó, mỗi ngày có hàng ngàn du khách thích thú lặn xuống để ngắm san hô - những đóa hoa của biển.
Hầu hết những bãi biển ở Việt Nam đều có san hô. Ở phía Bắc, san hô tập trung nhiều ở Cát Bà, Cô Tô, còn ở phía Nam thì có ở Côn Đảo và Phú Quốc cũng như các hòn đảo ở Kiên Giang. Riêng vùng biển miền Trung thì nhiều vô kể. Nói không ngoa, chỉ cần lặn xuống là thấy san hô!
Thời tiết nắng ấm quanh năm với nguồn ánh sáng mặt trời chiếu xuống vùng nước trong và nông giúp san hô ở Việt Nam phát triển, tạo thành thảm thực vật phong phú.
Mà ngắm san hô có dễ không? Hiện nay tại Việt Nam có hai loại hình lặn biển phổ biến: nghiệp dư thì có lặn ống thở (snorkeling), và chuyên nghiệp hơn có lặn bình dưỡng khí (diving).
Với những vùng biển nông chỉ cần đeo kính bơi và ụp mặt xuống biển là san hô - Ảnh: Q.NAM
Với những bờ biển nông như ở đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) hay ở bãi Ông Đụng (huyện Côn Đảo), du khách chỉ cần đeo kính bơi và ụp mặt xuống biển thôi là có thể thỏa thích ngắm san hô rồi. Du khách cũng không cần phải biết bơi, vì môi trường biển ở đây còn rất sạch nên san hô tồn tại ngay sát bờ.
Còn nếu đi bằng tàu ra xa hơn chút nữa, cách bờ vài trăm mét, vẫn chỉ cần đeo kính bơi và ngậm thêm một ống thở, mặc thêm chiếc áo phao là du khách nào cũng có thể đắm mình trong hàng ngàn đóa hoa nở bung dưới đáy biển.
Nếu bạn biết bơi, hãy lặn xuống một chút để nhìn cho kỹ hơn, nhưng nhớ đừng chạm tay vào san hô nhé!
Đi tàu ra xa bờ một chút, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhiều san hô hơn - Ảnh: Q.NAM
Chúng tôi từng ra đảo Cồn Cỏ bằng tàu cá của ngư dân. Hòn đảo nhỏ này chưa phát triển du lịch nhiều nên biển, rừng hầu như còn nguyên vẹn.
Trong khi đang tắm biển, một người trong nhóm la toáng lên "có san hô nè mọi người ơi". Ai nấy đeo kính bơi vào và úp mặt xuống nước.
Ôi, những bông san hô màu đỏ tươi ngay dưới chân mình. Từng tảng san hô nằm chỉ cách bờ 5-7m và dưới mặt nước tầm 1-1,5m thôi. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ có thể ngắm san hô dễ dàng như vậy được.
Ở vùng biển sạch, chỉ cần đứng ngay bờ là bạn có thể thấy san hô - Ảnh: Q.NAM
Còn ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), san hô phát triển nhiều hơn và đa dạng màu sắc hơn. Đoàn chúng tôi thuê tàu du lịch đi thăm một số hòn đảo nhỏ xung quanh.
Đến khoảng 14h, khi nắng đẹp nhất, trời xanh nhất và biển trong nhất, tàu neo lại. Mỗi người nhận một kính lớn và một ống thở, mặc áo phao rồi nhảy ùm xuống nước.
Ở phía dưới kia, cách mặt nước khoảng chừng 10m thôi là một khu vườn sặc sỡ, đầy san hô, chiếu lên mặt nước những mảng màu tươi rói.
Cả nhóm vẫy vùng trong làn nước mát và chìm đắm trong cảnh sắc của thiên nhiên mà không ai muốn lên tàu.
Không chỉ thấy san hô, bạn còn được thấy những đàn cá nhiều sắc màu - Ảnh: T.T.D.
Ở cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) lại khác. Ở đây có nhiều đảo nhỏ, vịnh nước rất êm. Tàu đưa chúng tôi chạy quanh các đảo, nhìn xuống đáy biển trong để chọn vùng nào nhiều san hô thì nhảy xuống. Thật sự càng ra xa bờ, nước càng trong, san hô càng nhiều.
Những thiết bị chuyên nghiệp sẽ giúp bạn lặn xuống sâu hơn
Nếu muốn khám phá dưới đáy đại dương đẹp như thế nào, du khách cần lặn xuống 10 - 20m mới thấy những điều kỳ vĩ.
Để làm được điều đó, người lặn phải dùng dịch vụ lặn bình dưỡng khí với bằng lặn biển chuyên nghiệp, hoặc kèm một thợ lặn có bằng cấp.
Ở Việt Nam có những công ty chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ này, tập trung ở Nha Trang và Phan Thiết. Tại đây, du khách sẽ được hướng dẫn lặn xuống biển Hòn Mun (Nha Trang) hay Mũi Né (Phan Thiết), nơi có những rạng san hô đẹp nhất cả nước.
Những nữ du khách đeo bình dưỡng khí chuẩn bị lặn ngắm san hô
Để có thể lặn xuống biển sâu bằng bình dưỡng khí, du khách cần phải trang bị những kiến thức sử dụng các thiết bị, cũng như những ký hiệu ra dấu bằng tay khi ở dưới nước.
Sau buổi huấn luyện trên bờ, mỗi người sẽ được mặc bộ đồ lặn chuyên dụng, đeo bình dưỡng khí sau lưng có ổng thở ngậm trực tiếp vào miệng, quanh bụng đeo một cục tạ chì nặng khoảng 9-10kg để chống lại áp lực của nước, rồi thợ lặn sẽ đưa bạn xuống biển. Do đó, bạn biết bơi hay không biết bơi không thành vấn đề, cứ can đảm lên nhé.
Hãy làm đúng những lời dặn của người hướng dẫn khi lặn biển
Với những du khách mới lặn lần đầu, thợ lặn chỉ hướng dẫn xuống độ sâu khoảng 6-10m. Nếu bạn đã có kinh nghiệm thì nên lặn xuống sâu hơn để chiêm ngưỡng những bức tranh kỳ vĩ dưới đáy biển.
Chúng tôi đi lặn ở Hòn Mun (Nha Trang), dù hơi khó chịu vì chứng ù tai do áp lực của nước ở độ sâu tối đa dành cho người mới, nhưng chúng tôi vẫn mải mê chìm đắm trong khung cảnh tuyệt đẹp của bãi san hô, thủy tảo, những đàn cá thoắt ẩn thoắt hiện giữa làn nước biển trong vắt như pha lê.
Còn gì thích thú hơn biển xanh trong những ngày nắng ấm
Nếu áp lực nước khiến bạn khó chịu, hãy ra ký hiệu để người hướng dẫn đưa bạn ngoi lên. Bạn có thể tiếp tục cuộc hành trình lặn biển sau khi lấy lại cân bằng, hoặc có thể ngừng tùy theo tình trạng sức khỏe.
Du khách có thể lặn biển vào những ngày nắng nóng hay ngày mát mẻ, chỉ cần biển trong và không có sóng lớn. Ở miền Bắc, bạn hãy chọn những ngày mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9, miền Trung thì dải thời gian rộng hơn, từ tháng 3 đến tháng 10, còn miền Nam thì… lúc nào cũng được, nắng quanh năm mà.
Nào, giờ thì chúng ta cùng đeo kính bơi, ngậm ống thở, hít thật sâu rồi lặn xuống biển thôi. Hàng ngàn sinh vật đẹp đẽ đang chờ đón chúng ta dưới đáy đại dương đó!