Chưa khai thác hết tiềm năng
Khi những chùm vải thiều chín đỏ soi bóng xuống dọc bờ sông Hương (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cũng là lúc du khách khắp nơi háo hức về thăm xứ vải Thanh Hà. Những năm gần đây, ngoài niềm vui vải được mùa, Thanh Hà còn thêm niềm tự hào được chọn là điểm đến của nhiều du khách muốn trải nghiệm không khí đồng quê; trong đó có những đoàn khách nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn du khách chỉ đến Thanh Hà trong ngày chứ chưa lựa chọn đây là điểm đến lưu trú cho những chuyến đi dài ngày.
Đoàn đại sứ nước ngoài thăm quan vườn vải thiều tại huyện Thanh Hà
Chị Phạm Tú Uyên – Du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, dịp cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn đã lên kế hoạch đi du lịch Quảng Ninh. Qua tìm hiểu và bạn bè giới thiệu, trên hành trình di chuyển, chúng tôi đã ghé qua vườn vải Thanh Hà để được trải nghiệm một chút không khí đồng quê. Được tự tay ngồi thuyền trên sông Hương, hái những trái vải chín mọng, chúng tôi như quên đi những căng thẳng trong công việc hằng ngày và gần gũi với thiên nhiên hơn. Ban đầu chúng tôi cũng dự tính sẽ tìm điểm lưu trú tại Hải Dương để nghỉ lại thêm một ngày nhưng vì Hải Dương rất ít điểm vui chơi, giải trí nên chúng tôi đã quyết định chỉ “ghé” qua đây một chút rồi sẽ chạy thẳng về Quảng Ninh để nghỉ.
Có thể nói, tiềm năng du lịch của Hải Dương rất phong phú, đa dạng về văn hóa và tự nhiên. Cùng với vườn vải Thanh Hà khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm, Hải Dương còn có hơn 400 di tích đã được xếp hạng là điểm đến du lịch tâm linh đầy hấp dẫn. Đặc biệt, Hải Dương có nhiều tiềm năng có thể phát triển du lịch được xem là độc nhất vô nhị như Làng tiến sĩ Mộ Trạch ở Bình Giang; Đảo Cò (Thanh Miện) - nơi duy nhất có hệ sinh thái độc đáo… Tuy nhiên, cho đến nay, khách du lịch mới chỉ lựa chọn Hải Dương như một điểm “trung chuyển” trên hành trình du lịch: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Điều này cũng được chính các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành thẳng thắn thừa nhận. Theo ông Phạm Việt Anh – đại diện trang du lịch Bay Nhé, trong những năm qua, dù tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Hải Dương, nhiều tuyến du lịch đã được hình thành như: Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh); An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện)… để "níu chân" du khách song thời gian vẫn chỉ diễn ra trong ngày. Bản thân các doanh nghiệp làm du lịch lữ hành cũng chưa thể tiếp cận và khai thác tốt các tour tuyến đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch khi cần thông tin về dịch vụ ở các điểm đến như: nhà hàng, khách sạn, đơn vị vận chuyển rất khó khăn do thiếu sự kết nối.
Còn theo ông Vũ Đình Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những hạn chế của ngành du lịch Hải Dương trong thời gian qua là hạ tầng dịch vụ, vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú còn thiếu, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, việc kết nối còn gặp khó khăn, sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, địa phương và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, thường xuyên; chưa có nhiều sản phẩm cụ thể, sản phẩm mới phù hợp theo từng loại hình và đối tượng khách...
Cần sự kết nối
Chuyên gia nhận định, du lịch Hải Dương có nhiều tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn; còn hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhân lực ngành du lịch, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Việc quảng bá du lịch và liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ. Thực tế, du lịch Hải Dương vẫn còn thiếu sự liên kết với các địa phương trong vùng, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để tạo ra một “hành lang” du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Để đưa du lịch của tỉnh Hải Dương phát triển, chuyên gia cho rằng, thời gian tới rất sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng đặc thù, có tính cạnh tranh cao.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, du lịch Hải Dương, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Một trong những giải pháp được tỉnh Hải Dương xác định là tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết giữa các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng tour, tuyến du lịch nội tỉnh, hợp tác với các tỉnh, thành phố để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Cùng với đó, Hải Dương sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh, tạo thương hiệu cho du lịch của địa phương.
“Đặc biệt, để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững cần sự phối hợp, tham gia của các cấp, ngành, xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát huy tài nguyên du lịch theo các tiêu chí như không gian, cảnh quan, vị trí địa lý, giao thông... Các tour, tuyến du lịch không chỉ được xây dựng theo thời vụ, mà cần xác định, bố trí phù hợp trải đều trong năm, đưa các sản phẩm OCOP thành các sản phẩm, quà tặng du lịch”, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Sách - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Nấm Hải Dương cho biết, “Về việc triển khai du lịch trải nghiệm, chúng tôi sẽ hưởng ứng theo chương trình của địa phương; kết nối với các công ty lữ hành để đưa vào tour du lịch. Chúng tôi cũng có lộ trình xây dựng nhà máy ra một vị trí mới và tạo không gian cho khách du lịch cùng đến thăm, trải nghiệm và mua sản phẩm cũng như quảng bá sản phẩm của mình”.
Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Hải Dương cũng tổ chức nhiều chương trình nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương như: Lễ hội thu hoạch cà rốt, vải thiều, lúa rươi; chuỗi sự kiện và Tuần lễ xúc tiến thương mại và du lịch… Các sự kiện đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham gia, trải nghiệm. Cách làm này cũng từng bước đưa Hải Dương trở thành “điểm đến” thay vì “điểm dừng chân” trên tuyến du lịch quốc gia và khu vực. |