Hà Nội đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch Halah

Thứ Năm, 17/04/2025 11:17
Hà Nội sở hữu tiềm năng lớn để thu hút du khách Hồi giáo từ các thị trường trọng điểm như Malaysia, Indonesia và Trung Đông. Tuy nhiên, thành phố hiện đối mặt với nhiều thách thức cần sớm hoàn thiện.

Du lịch Halal là một khái niệm còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, đảm bảo các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Qua tính toán, với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, du lịch Halal đang phát triển nhanh chóng với phân khúc chi tiêu cao, giá trị thị trường du lịch Halal toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 266 tỷ USD, năm 2024 ước đạt 276 tỷ USD và tới năm 2030 có thể đạt tới 350 tỷ USD.

Theo cáo cáo chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu, lượng khách du lịch Hồi giáo năm 2023 đạt 140 triệu lượt, năm 2024 ước đạt 160 triệu lượt. Khả năng chi trả của khách du lịch Hồi giáo ở mức chi tiêu cao và đang ngày càng tăng, đặc biệt là thị trường khách đến từ các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch Halal.

Phân tích về thị trường đầy tiềm năng này, TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: “Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành du lịch thế giới. Dự báo đến năm 2030, thị trường này có thể đạt giá trị gần 350 tỷ USD”. Theo bà Thu Hà, dù Hà Nội có nền tảng văn hóa, ẩm thực phong phú, nhưng việc thiếu dịch vụ đạt chuẩn Halal đang là rào cản lớn trong việc thu hút dòng khách đặc biệt này.

Từ góc nhìn quốc tế, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng du lịch Halal của Việt Nam: "Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch Halal, đặc biệt là đối với các quốc gia Hồi giáo và ngày càng trở thành điểm đến thu hút với nhiều quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ... Halal không chỉ dành cho thực phẩm. Halal còn là các tiêu chuẩn cho hành vi, cách thức xử lý các sản phẩm thực phẩm. Và thậm chí ở nhiều nước châu Âu, đôi khi họ cũng tìm kiếm các tiêu chuẩn này vì họ biết rằng các tiêu chuẩn này đòi hỏi yêu cầu rất cao và chặt chẽ".

Đồng quan điểm, ông Kohdayar Marri, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi cảm thấy tiềm năng ở đây rất lớn và cả tiềm năng mà tôi chưa được khám phá hết khi tôi mới chỉ đi đến một số ít tỉnh thành và địa phương. Các bạn có thể mở rộng hoạt động thương mại du lịch của mình lên hàng trăm phần trăm chỉ bằng cách đáp ứng nhu cầu của những khách du lịch cụ thể, với nhu cầu hoặc một số tập quán nhất định".

Cung cấp cái nhìn vĩ mô hơn, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á (ISAWAAS) cho biết, quy mô thị trường Halal toàn cầu đã vượt mốc 7.000 tỷ USD và có thể chạm ngưỡng 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của Việt Nam, Hà Nội được đánh giá là địa phương lý tưởng để tiên phong phát triển mô hình du lịch Halal bài bản và toàn diện.

Từ phía cơ quan quản lý, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: Hà Nội đã và đang xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó ưu tiên phát triển các "Halal Friendly Zones" – khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại trung tâm thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô sẽ có ít nhất 10-20 khách sạn đạt chuẩn Halal và khoảng 30% nhà hàng khu vực nội đô có khả năng cung cấp món ăn Halal.

Không chỉ tập trung phát triển cơ sở vật chất, Hà Nội còn chú trọng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Các chương trình tập huấn chuyên sâu đang được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn Halal quốc tế. Bà Giang khẳng định: “Việc khai thác thị trường Halal không chỉ là đón đầu xu thế toàn cầu, mà còn là một chiến lược tăng trưởng bền vững, giúp Hà Nội mở rộng cánh cửa ra thế giới Hồi giáo”

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Tin khác