Chiều ngày 15/4, Hội Y học TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo phát triển du lịch y tế Đà Nẵng. Theo số liệu thống kê, du lịch y tế được đánh giá là thị trường phát triển nhanh với ước tính toàn cầu ngành du lịch y tế có giá trị trên 100 tỷ USD và đang tăng trưởng khoảng 15–20%/năm. Nhiều quốc gia đầu tư mạnh vào y tế chuẩn quốc tế, thu hút khách hàng từ các nước phát triển.
Tại Đà Nẵng, hiện nay mô hình du lịch y tế vẫn đang trong giai đoạn khởi động, manh nha. Vì vậy, địa phương này cũng đang tìm phương án để để kết nối các bên liên quan như y tế, du lịch, đầu tư, truyền thông, chính quyền để cùng nhau xây dựng định hướng phát triển bền vững cho lĩnh vực này.
![]() |
Ông Trần Chí Cường – Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị hai ngành du lịch và y tế liên kết với nhau để thành ra sản phẩm. |
Ông Trần Chí Cường – Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị hai ngành du lịch và y tế liên kết với nhau để thành ra sản phẩm.
Theo ông Trần Chí Cường – Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lĩnh vực du lịch y tế với địa phương còn khá mới và cũng chậm triển khai so với điều kiện hiện có. Theo ông Cường, hiện nay Đà Nẵng đã định vị được cấu phần cho mảng này như hệ thống tham quan nghỉ dưỡng, hệ thống y tế, chuỗi sản phẩm... nên không khó để phát triển.
“Vì vậy, cần có sự liên kết giữa hai khối du lịch và y tế để tạo thành sản phẩm. Đồng thời, các ngành cần đầu tư hơn về đội ngũ nhân lực, tăng cường xúc tiến quảng bá sản phẩm đến du khách”, ông Cường nói.
Thông tin từ bà Trần Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng lĩnh vực du lịch y tế đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh toàn cầu hóa trong chăm sóc sức khỏe và iệc tích hợp giữa dịch vụ y tế chất lượng cao, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng đang trở thành một xu hướng tất yếu. Theo bà Thủy, giai đoạn tới Đà Nẵng có thể phát triển các dịch vụ y tế phù hợp với đặc thù lưu trú ngắn ngày và thời gian di chuyển linh hoạt của du khách như tầm soát sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư, tầm soát bệnh không lây nhiễm; Khám và điều trị mắt; Dịch vụ nha khoa và thẩm mỹ; Phục hồi chức năng – vật lý trị liệu – y học cổ truyền,...
“Thời gian qua, nhiều bệnh viện và phòng khám quốc tế tại Đà Nẵng đã tiếp nhận và điều trị cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại thành phố và du khách có nhu cầu chăm sóc y tế trong quá trình du lịch. Một số cơ sở đã hình thành các phòng khám quốc tế, khu điều trị riêng cho người nước ngoài và đầu tư hệ thống đặt lịch, tư vấn online từ xa. Có trường hợp du khách quốc tế đến Đà Nẵng kết hợp điều trị nha khoa/thẩm mỹ với tham quan, nghỉ dưỡng, mang lại hiệu quả truyền thông tự nhiên thông qua đánh giá, phản hồi tích cực”, bà Thủy cho biết.
Tuy nhiên, vị này cũng dẫn chứng một số khó khăn như về cơ chế, các văn bản pháp lý, quy định hoặc chính sách đặc thù của Trung ương và địa phương hướng dẫn triển khai phát triển du lịch y tế còn hạn chế. Đồng thời, liên kết giữa bệnh viện – công ty lữ hành – khách sạn – hãng vận chuyển – đơn vị bảo hiểm y tế quốc tế... còn rời rạc và thiếu mô hình công – tư để phát triển hệ sinh thái du lịch y tế bền vững.
![]() |
Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đông đúc là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch sức khỏe. |
Cùng với đó là chưa có nhiều khu điều trị, quy trình dịch vụ riêng biệt cho khách du lịch quốc tế . Hiện Đà Nẵng vẫn thiếu các trung tâm y tế kết hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ trọn gói, dịch vụ y học cổ truyền – phục hồi chức năng còn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa đủ hấp dẫn
Về ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Quảng lý lữ hành - Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay hiện tại, Đà Nẵng chưa hình thành và tổ chức các chương trình du lịch y tế kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe. Theo bà Thắm, khách du lịch tới Đà Nẵng chủ yếu khi có các tình trạng bị đau, ốm sẽ đến khám chữa bệnh, khách chưa có thói quen và xu hướng tìm kiếm đến Đà Nẵng để điều trị, khám chữa các bệnh hoặc làm thẩm mỹ, chăm sóc sức khoẻ, hoặc có với số lượng còn manh mún rất thấp.
“Hiện nay, thành phố có hệ thống sân bay, cảng biển và hơn 1200 cơ sở lưu trú trong đó khách sạn 4-5 sao với hơn 120 cơ sở, 500 công ty khai thác du lịch lữ hành trên địa bàn. Gần 300 cơ sở Spa hoạt động tư nhân nhiều tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Lực lượng lao động du lịch phát triển với hơn 50.000 lao động”, bà Thắm thống kê.
Từ đây, bà Thắm đề xuất Đà Nẵng có phương án khảo sát đánh giá và hình thành gói dịch vụ, tổ chức các sự kiện, ban hành bộ tiêu chí các cơ sở đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế. Song song với đó là đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh truyền thông, thu hút thị trường và liên kết phát triển du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe,...
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám Đốc Công ty Du lịch – Sự kiện – Vận chuyển VITRACO nhìn nhận khí hậu Đà Nẵng phù hợp cho du lịch chăm sóc y tế khi nắng nhiều, nhiệt độ ấm và ổn định, chất lượng không khí trong lành và là địa phương nằm trên biển,...
Về đề xuất, ông Tùng cho rằng Đà Nẵng cần hướng tới các thị trường cụ thể như Nhật Bản hiện có dân số già, nhu cầu dưỡng lão, điều dưỡng, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe rất cao; thị trường Hàn Quốc quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, kiểm tra sức khỏe tổng quát; các thị trường Úc, Mỹ, Canada, Châu Âu có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, điều trị phục hồi chức năng hoặc chăm sóc sức khỏe sau trị liệu,...
“Vì vậy, Đà Nẵng cần xây dựng hệ sinh thái du lịch y tế tích hợp, phát triển sản phẩm chuyên biệt theo từng thị trường và đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến thị trường”, ông Tùng nêu phương án.