TP Hà Nội sẽ chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khảo sát điểm du lịch làng nghề tại xã Phú Yên. |
Những năm qua, nhiều làng nghề trên địa bàn TP đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Có thể thấy như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm)… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - ông Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch đã ban hành, triển khai các kế hoạch về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản – di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản – di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức.
Du khách tham quan sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). |
Thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu có 3-5 điểm du lịch mới được hoạt động. Sẽ hình thành điểm du lịch gắn với bảo tồn và khai thác làng nghề có chất lượng cao. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo bồi dưỡng du lịch làng nghề để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; khuyến khích các đơn vị lữ hành phối hợp cùng phát triển du lịch; thúc đẩy nguồn lực xã hội hóa cho hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch văn hóa làng nghề, điểm đến của làng nghề.
Giai đoạn 2024-2025, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đặc thù gắn với các giá trị của di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản – di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung các nhiệm vụ nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch và triển khai ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương; tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng điểm đến du lịch gắn với các giá trị di sản, di tích, làng nghề và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, TP. Hà Nội sẽ chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, chúng ta còn nhiều việc phải làm để gắn nghề với dịch vụ du lịch như đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bãi đỗ xe, cảnh quan, lưu trú homestay, nhà hàng, xưởng sản xuất và trải nghiệm du lịch, cửa hàng lưu niệm, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ...
“Đặc biệt cần quan tâm sâu sắc đến phát triển du lịch bền vững, trong đó bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn. Du lịch tạo thêm việc làm và thu nhập, những tinh hoa của các làng nghề sẽ được bảo tồn và phát huy, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một địa phương không chỉ giàu đẹp về kinh tế mà còn sâu sắc về văn hóa", ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, sản phẩm, quy trình sản xuất ở các làng nghề đều rất ấn tượng nhưng chưa được sắp xếp theo trật tự. Do đó, cần xây dựng khu trưng bày sản phẩm để khách hàng dễ tham quan, mua sắm và trải nghiệm vào công đoạn sản xuất. Mặt khác, cảnh quan làng nghề chưa được quan tâm, thiếu hoa và cây xanh, không có biển chỉ dẫn nên không gây được tò mò, ấn tượng với các “thượng đế”.
Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng, cũng cần có một tập thể hoặc tổ chức tập hợp các chuyên gia xây dựng sản phẩm, chuyên gia ẩm thực, những nhà kiến trúc, cùng tham gia để xây dựng mô hình phát triển du lịch ở địa phương đáp ứng tốt nhu cầu của du khách nhưng vẫn giữ được nét văn hóa, cảnh quan môi trường và hệ sinh thái của các làng nghề.