Giảm dấu vết carbon trong du lịch xanh

Thứ Hai, 21/04/2025 11:26
Chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch là quá trình điều chỉnh và cải thiện các hoạt động du lịch, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tối ưu hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho địa phương làm du lịch. Bước chuyển đổi này mang tính cấp thiết và sống còn để ngăn chặn những thảm họa do du lịch gây ra.
Trekking là một hoạt động quen thuộc trong hình thức du lịch xanh. Ảnh: An Lê

Càng phát triển nóng, càng nguy hại

Trước khi đi sâu vào vấn đề chuyển đổi và phát triển du lịch xanh, xin kể câu chuyện làm du lịch của quốc gia Bhutan. Phải đến năm 1974, Bhutan mới cho khách nước ngoài đến du lịch và họ khống chế chỉ đón nhận mỗi năm khoảng 300 khách.

Để lý giải cho số lượng khách ít ỏi này, chính quyền Bhutan đưa ra phép tính rằng, năng lực xử lý chất thải rắn do du khách tạo ra và những tác động tới môi trường từ hoạt động du lịch của quốc gia này chỉ gói gọn trong giới hạn đó, nếu vượt ngưỡng là quá tải, mất cân bằng và đem đến nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Điều này cho thấy, rõ ràng, ngành công nghiệp không khói chính là một mối nguy rất lớn đến môi trường, cảnh quan và văn hóa bản địa. Nhận thức được nguy cơ này, Bhutan đã đặt ra giới hạn 300 khách mỗi năm, theo đó là mức chi tiêu tối thiểu 200 USD/người/ngày nhằm cân bằng phương trình kinh tế du lịch.

Đến bây giờ, do năng lực xử lý chất thải tốt hơn, đồng thời bị hấp dẫn mạnh mẽ từ những nguồn lợi kinh tế do du lịch mang lại - trong tương quan so sánh với các mảng kinh doanh, sản xuất khác - ngành du lịch Bhutan đã phát triển mạnh mẽ, với hơn 300 nghìn lượt khách mỗi năm.

Sự hấp dẫn về nguồn lợi kinh tế từ du lịch là một thứ rất khó từ chối, ngay cả với một đất nước Phật giáo như Bhutan. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện và bài học về du lịch ở Việt Nam và trên thế giới khi các địa phương chấp nhận phát triển nóng để phát triển du lịch nhằm đổi lấy nguồn lợi khổng lồ.

Nhưng sau khi làn sóng đi qua, nó để lại một cảnh hoang tàn, đổ vỡ mà phải mất hàng chục năm mới có thể phục hồi nguyên trạng, hoặc vĩnh viễn không thể hoàn nguyên. Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt là những ví dụ còn nguyên các tác động tích cực - tiêu cực mà làn sóng phát triển du lịch quá nóng để lại.

Chính vì thế, chúng ta không thể gạt bỏ du lịch khỏi bài toán phát triển kinh tế của địa phương và đất nước bởi đây thực sự là nguồn tài nguyên vô tận nếu chúng ta biết khai thác đúng mức, đúng cách. Để làm được “2 chữ Đúng” này, chỉ có một con đường duy nhất là chuyển đổi sang hình thái du lịch xanh.

Ở hình thái chuyển đổi này, mọi thành phần từ người dân bản địa, ngành du lịch và du khách đều là những đối tượng tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch địa phương, chứ không phân biệt bên cung cấp dịch vụ và bên thụ hưởng dịch vụ như trước.

Từ dấu chân đến dấu vết carbon

Trong hình thái du lịch xanh, con người là một nhân tố thải ra khí carbon, chất thải rắn, chất thải mềm, các loại rác, các hành động gây tổn hại cho môi trường và cảnh quan... Do đó, con người phải tham gia triệt để vào việc bảo vệ môi trường với các mục tiêu giảm thiểu khí carbon, giảm chất thải và rác, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.

Hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch đang ngày càng được coi trọng bởi cả khách du lịch và người làm du lịch, từ quy mô hộ gia đình đến quốc gia. Nếu như châm ngôn của giới “phượt thủ” ngày xưa là: “Không lấy gì đi ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những vết bước chân” thì châm ngôn của giới du lịch hiện nay là “Hạn chế dấu vết carbon”.

Vậy làm thế nào để hạn chế dấu vết carbon trong du lịch? Thật ra, câu trả lời ở ngay trước mắt, và nó đã tồn tại từ lâu nhưng chưa thu hút được sự chú ý. Ví dụ như thói quen sử dụng các phương tiện giao thông không tạo khí thải như xe đạp, đi bộ trong hoạt động du lịch.

Trekking đường rừng, leo núi, đi bộ xuyên các địa hình đa dạng sinh học, cắm trại giữa thiên nhiên... chính là những hoạt động du lịch thân thiện với môi trường hơn hình thức du lịch nghỉ dưỡng. Các điểm du lịch ở Tây Bắc, Tây Nguyên hay vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực phát triển loại hình du lịch dựa hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên để tạo sức hút.

Cùng với đó, chúng ta tham gia triệt để vào lối sống xanh trong hoạt động du lịch: Loại bỏ thói quen sử dụng đồ dùng một lần, đồ nhựa, nylon; hạn chế những chất thải có thể làm ô nhiễm nguồn nước, vùng đất nếu không qua xử lý ví dụ như xà phòng, dầu gội đầu, chất tẩy rửa, hóa chất...

Đồng thời tự xử lý các chất thải rắn, không vứt ở những nơi dễ bị ô nhiễm do không có hoạt động thu gom và xử lý. Một bài học nhãn tiền là nóc nhà thế giới Everest đang bị rác thải gồm áo quần, lều bạt, dụng cụ leo núi bị thải loại xâm lăng. Thứ rác này có thể tồn tại ở đây tới cả trăm năm.

Năng lượng cũng là yếu tố quyết định việc để lại nhiều hay ít dấu vết carbon trong hoạt động du lịch. Từ bỏ việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân như ôtô, xe máy sang phương tiện công cộng, từ động cơ chạy bằng xăng dầu sang chạy bằng nguyên liệu hydro cũng góp phần giảm khí thải.

Còn ở khu lưu trú, năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió sẽ đóng góp phần lớn trong việc giảm dấu vết carbon và hướng tới mục tiêu Net Zero của Chính phủ. Điện mặt trời, điện gió có thể thay nguồn năng lượng từ thủy điện, nhiệt điện để chiếu sáng, đun nấu, chạy các thiết bị điện.

Các vùng du lịch ở miền Trung và Nam Trung Bộ với số lượng ngày nắng hơn 300 ngày/năm rất phù hợp để sử dụng năng lượng tái tạo. Sự chuyển đổi này nếu được lan tỏa ở quy mô rộng sẽ giảm áp lực đáng kể cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, rừng, khoáng sản...

Cùng với đó, việc xây dựng các khu du lịch hòa nhịp với cảnh quan thiên nhiên bằng các chất liệu, phong cách bản địa cũng giúp làm xanh hóa ngành du lịch. Sử dụng nhà của người dân làm nơi lưu trú, thay vì xây dựng khách sạn, resort xa lạ với cảnh quan sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, giảm được sự tốn kém của việc xây mới, cũng như những tác động do việc xây mới đem lại. Thứ hai, người dân có sinh kế lâu dài, bền vững. Thứ ba, khách du lịch được trải nghiệm cuộc sống bản địa vừa lạ lẫm vừa hấp dẫn, thay vì phong cách nghỉ dưỡng công nghiệp.

Chính chất liệu và hoạt động thường nhật của địa phương sẽ có tiềm năng trở thành hoạt động du lịch của du khách. Tại bản Ít Thái dưới chân đèo Khau Phạ (xã Cao Phạ, Yên Bái), hàng ngày, những hướng dẫn viên chính là chủ nhà đưa du khách đi leo núi hái thảo quả, trekking đồi cỏ cắm trại qua đêm, hay vào rừng tắm suối.

Những hoạt động này không những làm tăng chất lượng và sự hấp dẫn của du lịch mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch xanh độc đáo, có thể bảo vệ văn hóa và môi trường bản địa, đồng thời tăng cường ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và giảm đáng kể lượng dấu vết carbon.

Theo Báo Lao Động

Tin khác