Múa rồng mang nét đặc trưng của Hà Nội
Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 đã mang đến cho người dân Thủ đô nói riêng và nhiều khách du lịch trong và ngoài nước nói chung một dịp “mãn nhãn” khi được chứng kiến những màn múa rồng vô cùng đặc sắc theo từng chủ đề khác nhau, mang bản sắc riêng của từng quận, huyện đồng thời không ngừng khẳng định vai trò là một trong những nét đẹp truyền thống dân gian, một di sản văn hóa phi vật thể đáng tự hào của Thủ đô Hà Nội.
So với các năm trước, Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 có nhiều đội múa đẹp hơn về thẩm mỹ, kỹ thuật, phục trang biểu diễn cũng được đầu tư bắt mắt hơn. Đại diện đội múa rồng huyện Thanh Oai cho biết, “Qua bao mùa lễ hội cũng như các cuộc giao lưu học hỏi, đội đã ngày một phát huy những năng lực, trình độ, tìm tòi, sáng tạo những nét độc đáo trong nghệ thuật múa rồng truyền thống. Múa Rồng từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần, một nét đẹp truyền thống trong nghệ thuật dân gian của dân tộc. Chúng tôi, là những người con của Hà Nội cũng mong muốn loại hình nghệ thuật này sẽ được đông đảo người dân đón đợi hơn nữa”.
Theo đại diện đội múa rồng huyện Thanh Trì, múa Rồng là một nét đẹp truyền thống của quê hương cần được gìn giữ và bảo tồn. Năm 2009, UBND huyện đã ban hành Đề án khôi phục các điệu múa cổ, múa dân gian, trong đó có múa Rồng. Đến nay toàn huyện có 18 đội múa Rồng với gần 400 đội viên tham gia. Hàng năm, huyện đều tổ chức Liên hoan múa dân gian để các đội được giao lưu học hỏi và nâng cao kỹ năng, nghệ thuật múa.
Ông Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Tp. Hà Nội khẳng định, múa Rồng mang nét đặc trưng của Hà Nội và có màu sắc riêng của lễ hội truyền thống dân gian không lẫn với vùng miền nào hay quốc gia nào.
Gắn với phát triển du lịch
Không chỉ mang một ý nghĩa, nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc, nghệ thuật múa Rồng cũng đã đem đến cho Hà Nội một “cơ hội lớn” đế phát triền du lịch. Loại hình nghệ thuật đặc sắc này sẽ giúp quảng bá hình ảnh của Hà Nội đến nhân dân nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng như đem đến những cái nhìn mới, đa dạng phong phú hơn cho du khách nước ngoài.
Theo ông Dương Minh Châu, qua 5 lần tổ chức, Liên hoan múa Rồng đã tạo được sức hút lớn. Thời gian tới, Hà Nội sẽ bắt đầu nghiên cứu, thí điểm hoạt động tổ chức nghệ thuật múa Rồng gắn với quảng bá du lịch Hà Nội, đưa loại hình nghệ thuật này gắn với truyền thống ở các lễ hội lớn. Cùng với đó, sẽ đưa vào thành hoạt động được tổ chức thường niên, nhiều hơn ở Phố đi bộ Hồ Gươm, làm phong phú thêm các loại hình văn hóa dân tộc. Giúp người dân trong và ngoài nước có cơ hội được tìm hiểu và thưởng thức nhiều hơn loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều quận, huyện đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã không ngừng tìm tòi, phát triển những mẫu mã để sản xuất rồng đẹp hơn, độc lạ và phù hợp với nhu cầu phục vụ ở trong nước, mà còn trên nhiều nước trên thế giới. Điển hình có thể kể đến như huyện Chương Mỹ đã sản xuất được những con rồng có vẩy nổi 3d phản quang 7 màu, chống trọi với thời tiết khắc nghiệt và đặc biệt kể cả khi gặp mưa. Đây cũng là mẫu rồng mới nhất 2019, được các đơn vị quận huyện, các tỉnh, thành trên toàn quốc đặt hàng và cũng xuất đi các nước trên thế giới như: Liên bang Nga, Ba Lan, Singapore, Malaysia… Điều này không chỉ giúp quảng bá hình ảnh nghệ thuật múa Rồng Việt Nam ra nước ngoài, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.