Mất bao lâu để ngành du lịch trở lại trạng thái "bình thường"?
Trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước hồi phục với nhiều thách thức và đổi mới. Cùng với sự nỗ lực của chính phủ, sự thích nghi an toàn, nhanh chóng của ngành du lịch, và sự ủng hộ của du khách trong nước đã mang lại những tín hiệu tích cực hơn cho 2022.
Từ nửa cuối tháng 11/2021, có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vắc-xin" tại tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và Kiên Giang (Phú Quốc). Sự kiện này được xem là bước khởi động quan trọng cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Riêng tháng 12/ 2021, thành phố Đà Nẵng đã đón 500 du khách quốc tế tham dự sự kiện doanh nghiệp. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng chưa hề thuyên giảm. Bên cạnh đó, chuyến ghé thăm của đoàn khách doanh nghiệp quốc tế này cũng cho thấy tính an toàn của thành phố biển xinh đẹp – nơi giao thoa của 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn.
Bước sang 2022, du lịch Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực hơn. Theo như số liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights, lượt tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng nhanh. Từ đầu tháng 1/2022 cho đến nay, lượt tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượt tìm kiếm về các cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng rõ rệt từ khoảng cuối 2021, tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng 86% so với cùng kỳ 2021 vào đầu tháng 02/2022. Nhìn chung mức tìm kiếm về cả hàng không và địa điểm lưu trú đều tăng mạnh. Đây là tín hiệu khả quan về sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Với đề xuất mở cửa hoạt động du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới được áp dụng từ 15/3/2022, chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngành lữ hành và nhà hàng – khách sạn, cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của khách trong nước và quốc tế.
Các khách sạn lạc quan, thận trọng và đổi mới
Ngành khách sạn và du lịch đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 2 năm. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để ngành này bắt đầu khôi phục và vận hành lại các hoạt động kinh doanh. Với khả năng thích ứng cao trong các khâu bảo vệ sức khoẻ và an toàn của khách lưu trú, khách sạn tại Việt Nam đang từng bước kích hoạt lại thị trường du lịch trong nước. Một số khách sạn đã ứng biến linh hoạt bằng cách đưa ứng dụng công nghệ vào hệ thống quản lý khách sạn bao gồm các dịch vụ không chạm, thanh toán trực tuyến, nhận - trả phòng qua ứng dụng nhằm hạn chế tiếp xúc một cách tối đa. Ngoài ra, các khách sạn cũng duy trì việc kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách khai báo y tế trước khi nhận phòng, cung cấp dung dịch khử khuẩn, giới hạn khách trong những không gian chung như nhà hàng, hồ bơi, quầy bar. Một số các thương hiệu khách sạn quốc tế còn tăng thêm các dịch vụ ăn uống tại phòng cho khách lưu trú, nhằm đảm bảo an toàn cho suốt chuyến đi.
Mặc dù nằm trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Covid-19, tuy nhiên các thương hiệu khách sạn – resort quốc tế vẫn mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô tại thị trường Việt. Đây cũng được xem là một bước đi quan trọng giúp duy trì sự năng động cho ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Cũng theo Savills Việt Nam, tự do di chuyển đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Đồng thời, việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng ba là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới.
Theo đơn vị này, trải qua 2 năm "đóng băng", ngành du lịch trong thời gian gần đây đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Cụ thể, lệnh nới lỏng giãn cách xã hội từ tháng 10/2021 đã giúp bức tranh toàn cảnh ngành du lịch quý 4 thêm phần khả quan, khi nhiều dịch vụ quay trở lại hoạt động và các đường bay trong nước được nối lại. Theo báo cáo của Savills, trong tháng 12, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 8.383 chuyến bay, tương đương với mức tăng trưởng 538% so sánh với 1.311 chuyến bay trong tháng 9.
Tuy nhiên, đà phục hồi của ngành du lịch trở nên rõ rệt nhất khi bước sang những ngày đầu của năm 2022. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022 đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa và thu về lượng doanh thu ước tính đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Những con số "biết nói" trên cũng phần nào thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của ngành nhờ yếu tố nội địa.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch trong nước. Nghiên cứu của Savills ghi nhận sự cải thiện của công suất cho thuê và giá thuê trung bình phân khúc khách sạn trong những tháng cuối năm 2021. Tương tự, nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội đang trong đà tăng, tính từ năm 2022 trở đi.
Những tín hiệu này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào khả năng bật dậy của ngành.
Chia sẻ về triển vọng tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực miền Bắc, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết: "Bàn về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của miền Bắc, bên cạnh các thành phố phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, chúng tôi nhận thấy số lượng lớn dự án đang được phát triển ở các vùng ngoại thành và xung quanh thành phố Hà Nội như Hoà Bình và Thanh Hoá."
Lý giải về hiện tượng này, ông Matthew cho biết: "Xu hướng này cũng khá dễ hiểu, bởi việc di chuyển của người dân tới các quận/huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vào hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, người dân cũng sẽ lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh Hà Nội vào những ngày cuối tuần. Vì vậy, chúng tôi đang rất kỳ vọng vào những dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực lân cận này."
Đặt yếu tố nội địa làm động lực phát triển chính, ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy tình hình hoạt động đầy khả quan trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh vào nguồn khách quốc tế với vai trò như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự bật dậy của thị trường du lịch Việt Nam.