Những ngày này, khách quốc tế từ nhiều thị trường bắt đầu trở lại Việt Nam khi mùa cao điểm đang bắt đầu (thường từ cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau), trong đó khách du lịch từ Trung Đông, Ấn Độ được xem là nguồn khách mới đầy triển vọng.
Khách sang, chi tiêu cao, du lịch dài ngày
Theo các chuyên gia kinh tế, khách Trung Đông đang tìm kiếm những địa điểm du lịch mới khi điểm đến truyền thống như châu Âu đã bão hòa, và Đông Nam Á là thị trường được ưa chuộng.
Trung Đông là khu vực hình thành nguồn khách lớn của du lịch thế giới, rất triển vọng, khách thường du lịch dài ngày, có khả năng chi trả cao và yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ.
Và Việt Nam, trong đó có TP HCM đã bước đầu có kinh nghiệm đón và phục vụ khách du lịch Halal và Ấn Độ, cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhóm khách này. Số liệu của Tổng cục thống kê, trong 7 tháng của năm nay, khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt khoảng 11.700 lượt và là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất.
Du lịch TP HCM có nhiều thế mạnh đón khách quốc tế, trong đó có khách từ Ấn Độ, Trung Đông
TP HCM được đánh giá là một trong những điểm đến có nhiều lợi thế để đón khách Trung Đông, Ấn Độ, đặc biệt là khách MICE (khách đi hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch).
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, dẫn số liệu cho thấy năm 2019, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, vươn lên tốp 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam, trong đó có 73% số khách đến thành phố.
Đoàn khách MICE đến TP HCM từ Ấn Độ
"TP HCM sở hữu những tài nguyên du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách Trung Đông là tham quan các di sản thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe…" – bà Ngọc Hiếu nói.
Hiện có khoảng 15 Thánh đường Hồi giáo, một số đền thờ Ấn Độ tại khu vực trung tâm, là điều kiện thuận lợi để du khách ghé thăm và chiêm bái. Nhiều nhà hàng đã triển khai phục vụ du khách ở khu ăn uống riêng biệt với đồ ăn được chế biến theo chuẩn Halal, Ấn Độ; nhiều thực phẩm có chứng nhận Halal đáp ứng nhu cầu của du khách.
Loạt giải pháp của TP HCM
Thống kê trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy thời gian gần đây, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ đang tăng cao. Mới đây, TP HCM đã đón đoàn 460 khách MICE đến từ Ấn Độ từ ngày 15 đến 18-7, đây là đoàn khách MICE lớn nhất từ quốc gia này mà Việt Nam từng đón.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, nếu muốn khai thác tốt 2 thị trường tiềm năng này cần hiểu nhu cầu của du khách. Như khách Ấn Độ thường kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Họ thường so sánh tỉ mỉ mức giá để đưa ra quyết định. Nếu không thích nghi được, doanh nghiệp không thể khai thác lâu dài thị trường khách này.
"Hiện ngành du lịch TP HCM đang xây dựng kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn với mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông" – bà Ngọc Hiếu nói thêm.
Ngành du lịch TP HCM xác định cần có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhóm khách này, do có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Dù hiện thành phố đang có một số nhà hàng, khách sạn có các dịch vụ thiết yếu cho khách du lịch Ấn Độ và khách theo đạo Hồi nhưng còn nhỏ lẻ và chưa thực sự chuyên nghiệp. Có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài vào cơ sở hạ tầng với các nhà hàng phục vụ ẩm thực Ấn Độ, ẩm thực đạt chuẩn Halal... để hấp dẫn du khách từ thị trường này.
Việc đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn viên thông thạo tiếng Ả Rập, am hiểu văn hóa và thói quen sinh hoạt của du khách các quốc gia Trung Đông và Ấn Độ cũng là một nhiệm vụ mà ngành du lịch cần phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch tiến hành trong thời gian tới.
TP HCM tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông trong việc xúc tiến du lịch 2 chiều; tiếp tục kết nối để gửi các ấn phẩm quảng bá du lịch TP HCM đến các sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội được tổ chức tại các nước sở tại nhằm giới thiệu, thông tin về du lịch Việt Nam đến người dân các quốc gia này… |