Nhờ các chiến dịch kích cầu du lịch, lượng du khách đổ về các điểm du lịch nội địa như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cát Bà, Phú Quốc… đã tăng rất mạnh. Tuy nhiên, khi hoạt động du lịch sôi động trở lại cũng là lúc xuất hiện tình trạng chèo kéo, côn đồ, lừa đảo, "cò mồi" gây phiền nhiễu và đe dọa đến sự an toàn của du khách.
Mới đây, một hướng dẫn viên du lịch (HDV) đã chia sẻ với báo Văn hóa về trải nghiệm kinh hoàng khi đang đưa khách đi thăm quan Nha Trang (Khánh Hòa). Người này cho biết mình đã bị một vài đối tượng tiếp cận, "mời" cả đoàn vào mua hàng tại "Đặc sản Minh Uyên". Khi anh lịch sự từ chối thì bị những thanh niên này đe dọa bằng lời lẽ tục tĩu, thậm chí còn bị túm áo dọa đánh.
Đây là tình trạng mà rất nhiều HDV đưa khách tới Nha Trang phản ánh trong thời gian vừa qua. Theo chia sẻ của một HDV trên báo VnExpress, vì trong lịch trình không kèm theo chỗ mua sắm nên khi khách có nhu cầu mua đặc sản địa phương, người này cho khách ghé tạm một cửa hàng bất kỳ trên đường. Tuy nhiên, ngay lập tức có 2-3 thanh niên xăm trổ chạy ra ngăn cản, bắt họ phải đến "Cửa hàng Minh Nguyên". Chưa dừng lại ở đây, đồng bọn của những kẻ này còn gọi điện cho HDV ngày hôm sau, hăm dọa nếu không mua đặc sản ở chỗ họ thì sẽ bị "xử lý" bằng hình thức đánh, chém…
Một du khách chia sẻ kinh nghiệm để không mắc bẫy "cò mồi" khi đi du lịch tại Nha Trang trong một nhóm trên Facebook.
Không chỉ gây phiền hà cho du khách, hành động chèo kéo du khách này còn khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh khổ sở. Trên báo An ninh Hải Phòng, Anh Tùng – một người kinh doanh hoạt động du lịch tại Cát Bà (Hải Phòng) – tâm sự, gia đình anh đã gặp khó khăn vì Covid-19, nay lại thêm đau đầu với tình trạng "cò mồi". "Cò mồi" thường tập trung ở những nơi đón trả khách, nhằm tranh giành, lôi kéo khách sử dụng dịch vụ di chuyển, ăn uống, ngủ nghỉ của mình.
Thậm chí, vì lòng tham trước mắt, nhiều cơ sở kinh doanh còn câu kết với "cò mồi" để nâng giá, ép giá du khách rồi chia hoa hồng. Trên báo Lao động, một độc giả đã kể lại trải nghiệm khó chịu của mình khi bị "móc túi" vô lý trong những ngày nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Dù đã cẩn thận hỏi giá trước, người này vẫn phải "cắn răng" trả 200.000 VNĐ cho một chuyến xe điện về khách sạn, dù chiều đi chỉ mất 50.000 VNĐ. Lý do mà tài xế đưa ra là chủ quán mà vị khách kia đến "đã trả thêm cho chiều đi rồi".
Tình trạng chèo kéo, chặt chém khi đi du lịch từ lâu đã luôn là vấn đề nhức nhối của ngành du lịch. Không chỉ làm xấu đi hình ảnh của địa phương, vấn nạn này còn ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách và gây cản trở công việc của các HDV. Nhiều HDV tâm sự, các cửa hàng chuyên chèo kéo khách đã nhiều lần gạ gẫm họ, sẵn sàng chia phần trăm hoa hồng để dẫn khách tới. Tuy nhiên, những chỗ này thường bán hàng không rõ nguồn gốc với giá cao nên họ đều từ chối để đảm bảo uy tín cho công ty và bộ mặt của ngành du lịch.
Đội ngũ "cò mồi" đứng chờ sẵn du khách xuống bên ở đảo Lý Sơn. (Ảnh: quangngaitv.vn)
Kể từ tháng 5 trở lại đây, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã liên tiếp ra quân chấn chỉnh tình trạng này để trả lại môi trường du lịch thân thiện cho du khách. Công an huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã bắt 10 vụ và xử lý 11 đối tượng "cò mồi" chèo kéo khách; cơ quan chức năng tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng bắt quả tang, xử lý 11 trường hợp chèo kéo du khách mua đặc sản, theo báo Sài Gòn Giải phóng.
Theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 8.2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, hành vi "Tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ" có mức xử phạt là 1-3 triệu VNĐ. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn cố tình vi phạm.
Để tránh vô tình trở thành nạn nhân của tình trạng chèo kéo và chặt chém mỗi mùa du lịch, du khách nên tìm tìm hiểu kỹ trước khi mua tour, kiên quyết từ chối nếu bị người bán hàng rong đeo bám, phản án với cơ quan chức năng khi cần thiết.