Bắt đầu với 200m2 trồng dâu cho gia đình ăn, sau đó nhờ người lối xóm ủng hộ, chúng tôi mở rộng vườn ra 500m2, 800m2 rồi thành hai vườn với tổng diện tích gần 4.000m2 như hiện nay.
Với 5 năm kinh nghiệm bán dâu cho người mua trực tiếp, tạm gọi là từ vườn tới bếp, gần đây tôi nhận thấy du khách, nhất là các bạn trẻ và gia đình có con nhỏ, đến Đà Lạt rất thích vào những khu vườn trồng đặc sản như vườn hoa, vườn dâu, vườn rau, cà phê… Khách nhắn tin hỏi thăm thông tin vào tham quan vườn dâu tấp nập, nhất là các ngày cuối tuần.
Hầu hết các vườn ở Đà Lạt đều không thu phí và cho khách tham quan khi thuận tiện, nghĩa là khi có chủ vườn ở đó và họ không bận bịu thì du khách có thể vào chụp hình, hỏi han.
Nhiều du khách ngạc nhiên khi các vườn không thu phí, chỉ yêu cầu khách bảo vệ cây, không hái quả.
Một số ít nhà vườn khác thử nghiệm mô hình cho tham quan, hái quả, hái rau với một khoản phí tự thống nhất hoặc bán vé có đăng ký với dịch vụ thuế.
Nếu tổ chức bài bản, du lịch nhà vườn có thể là mô hình du lịch chân chất, giàu tính địa phương và rất hấp dẫn, kể cả với người Việt lẫn khách nước ngoài. Nhà vườn có thêm thu nhập từ việc cho khách vào tham quan cũng như bán sản phẩm với giá tốt. Du khách có niềm vui là biết thêm về địa phương, được tìm hiểu về nông nghiệp bản địa và cũng mua được sản phẩm với giá tốt hơn giá thị trường.
Theo kinh nghiệm của các vườn đã có nhiều khách tham quan, chủ vườn cần làm quen với tư duy đang làm du lịch, giữ vườn không rác, canh tác sạch. Quan trọng nhất là họ có thể kể được câu chuyện của mình. Dù là rau, hoa, trái,… mỗi loại đều có lịch sử riêng. Câu chuyện đó rất sinh động qua lời kể của người trực tiếp chăm bón.
Ông Nguyễn Văn Sơn, một người trồng cà phê đặc sản ở Đà Lạt, đang làm theo hướng này. Mọi kỹ thuật từ trồng đến pha ra ly cà phê, ông đều chia sẻ với du khách. Khách đến vườn ông là sinh viên, doanh nhân, người pha chế, người muốn mở quán, người muốn cải tạo vườn, người nước ngoài,… Dù đường vào gập ghềnh, vườn ông vẫn thu hút nhiều người tìm đến để nghe một người yêu cà phê kể chuyện.
Bà Trịnh Thị Truyền, chủ một vườn dâu tại Đà Lạt, trăn trở: "Vườn tôi cho khách vào tham quan miễn phí nhưng nhiều lúc phải hạn chế".
Theo bà, hạn chế khách tham quan có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đối vườn dâu tây, loại cây này khá nhạy cảm nên có nhiều khách, nhất là nếu khách đi từ vườn nọ tới vườn kia, thì rủi ro cây bị nhiễm bệnh cao. Kể cả khi thu phí tham quan vài chục ngàn mỗi người thì có thể vẫn không bù đắp nổi thiệt hại cho một lần cả vườn bị bệnh.
Ngoài ra, ý thức của du khách là yếu tố quan trọng quyết định sự sẵn lòng của nông dân trong việc mở cửa vườn. Có nhiều khách rất dễ thương, vào tham quan chụp ảnh và thương cây như chủ.
Ngược lại, cũng có trường hợp, dù đang tham quan miễn phí nhưng khách vẫn hái quả ăn rất tự nhiên, thậm chí vừa ăn vừa bỏ.
Các nhà vườn cho biết chỉ cần khách dễ thương, họ sẵn sàng mở cửa không ngại ngần. Mong rằng kể cả khi có thu phí, du khách chúng ta nên xem đây là khoản tiền trả cho một trải nghiệm du lịch, vì đâu phải tự nhiên mà có một khu vườn đầy hoa trái cho chúng ta tham quan.