Du lịch, khách sạn suy giảm nghiêm trọng trong quý I/2020 vì Covid-19, tỉnh nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?

Chủ Nhật, 29/03/2020 14:40
Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 390 nghìn tỷ VND, giảm 4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 316,1 nghìn tỷ VND, giảm 1,5% và tăng 4,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 33,9 nghìn tỷ VND, giảm 18,4% và giảm 26,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ VND, giảm 44,7% và giảm 62,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7 nghìn tỷ VND, giảm 7,1% và giảm 6,5%.

Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ VND, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ VND, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 9,3%; xăng, dầu tăng 8,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,7%; may mặc tăng 6,6%; phương tiện đi lại tăng 5,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 2%. 

Du lịch, khách sạn suy giảm nghiêm trọng trong quý I/2020 vì Covid-19, tỉnh nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất? - Ảnh 1.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. 

Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 11%; Hà Nội tăng 9,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8%; Cần Thơ tăng 7,3%; Thanh Hóa tăng 6,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ VND, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động cùng với lượng khách du lịch giảm. 

Du lịch, khách sạn suy giảm nghiêm trọng trong quý I/2020 vì Covid-19, tỉnh nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất? - Ảnh 2.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 38,2%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ VND, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%) do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I giảm so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.

Doanh thu dịch vụ khác quý I/2020 ước tính đạt 126,3 nghìn tỷ VND, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Cần Thơ tăng 2,3%; Thái Nguyên tăng 1,2%; Đà Nẵng giảm 1,4%; Hà Nội giảm 1,7%; Hải Phòng giảm 6,3%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 7,4%.

Theo Trí thức trẻ

Tin khác