Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên: Xu hướng phát triển bền vững

Thứ Năm, 06/01/2022 12:02
Du lịch có trách nhiệm lần đầu được nhắc đến tại Hội nghị quốc tế về phát triển bền vững tổ chức tại Cape Town (Nam Phi), năm 2002. Ngày nay, khái niệm này được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Đây là loại hình du lịch mà lợi nhuận được chia sẻ một phần cho cộng đồng địa phương, ngược lại, giảm thiểu tác động có hại đối với môi trường, xã hội, giúp cộng đồng bảo tồn được các giá trị văn hóa, bảo tồn các loài hoang dã cũng như sinh cảnh sống của chúng.

Một số mô hình

Trên thế giới, xu hướng du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên được định hình và đang phát triển tại các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao và cảnh quan xinh đẹp. Ví dụ như một số quốc gia ở Nam Phi, Kenya, Tanzania... có các tour trải nghiệm thiên nhiên hoang dã tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên hoặc tour tương tác với động vật hoang dã. Tại các quốc gia châu Á, Nam Mỹ nơi có sự đa dạng về địa chất, địa mạo, cảnh quan có các tour du lịch khám phá hang động, thám hiểm, trecking, leo núi...

Tại Việt Nam, du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên bước đầu định hình, bao gồm du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch quan sát đời sống động thực vật hoang dã tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên... Tuy nhiên, số lượng du khách tham gia các tour này không nhiều, đa số là khách phương Tây nhưng chưa được định hình thành một xu hướng du lịch rõ ràng.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam hiện có 23/33 vườn quốc gia, 35/127 khu bảo tồn thiên nhiên có tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Năm 2019, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, mang lại doanh thu khoảng 185 tỷ đồng.

Mô hình du lịch khám phá của Oxalis tại Sơn Đòng, hang Én, hang Tú Làn, hang Tiên ở Quảng Bình... có thể xem là điển hình. Giá trải nghiệm Sơn Đòng 4 ngày vào khoảng 3.000 USD, với số lượng khách cho mỗi chuyến đi là giới hạn và hoàn toàn bảo vệ thiên nhiên, các loài hoang dã. Có giá khá cao so với các tour truyền thống, tuy nhiên các chi phí này bao gồm cả các hoạt động bảo vệ môi trường và trách nhiệm cộng đồng.

Cây Tung ở vườn quốc gia Cát Tiên cần đến 20 người vòng tay ôm mới giáp

Một ví dụ khác là du lịch sinh thái tại một số Vườn quốc gia như Bù Đốp, Núi Bà, Cát Tiên, Cúc Phương... nơi du khách được trải nghiệm thiên nhiên hoang dã bằng cách đi bộ, đạp xe trên các cung đường mòn hay ngủ lại trong Vườn, xem động vật hoang dã (ĐVHD) săn mồi... mang lại nhiều cảm giác thích thú cho du khách.

Hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn

Nhu cầu trải nghiệm thiên nhiên gắn với khám phá thế giới ĐVHD ngày càng hút khách. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), có đến 7% du lịch thế giới liên quan đến du lịch khám phá thế giới ĐVHD, với mức tăng trưởng khoảng 3% /năm, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Trong đó, du lịch dựa vào ĐVHD còn hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn và phát triển sinh kế cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực ngành du lịch cũng có thể tác động tiêu cực đến ĐVHD và môi trường tài nguyên thiên nhiên nếu thiếu định hướng, hoặc phát triển theo hướng không tuân thủ các quy định về bảo tồn và bảo vệ môi trường.

Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WAP) từng cảnh báo, có tới hơn 500.000 ĐVHD trên thế giới bao gồm voi, cá thể lười, hổ và cá heo đang khổ sở vì du lịch. Với các hoạt động tham quan các cơ sở nuôi nhốt những loài động vật này vì mục đích giải trí thương mại. Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh, chuyên gia bảo tồn động vật, thực vật hoang dã (Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam), cho biết cách đây mấy năm WAP tiết lộ hầu hết những con voi phục vụ du lịch ở châu Á phải đối mặt với sự tàn ác và bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ.

Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên bằng xe đạp

Tại Hội thảo về "du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và bảo tồn ĐVHD" hồi cuối năm 2020 ở Vườn quốc gia Cát Tiên, đại diện 30 công ty lữ hành và tổ chức bảo tồn mạnh dạn ký cam kết ủng hộ. Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch có trách nhiệm Trương Thị Hiền, nói việc vô ý hay cố ý tiếp tay cho các hành vi tiêu dùng ĐVHD, xâm hại tự nhiên của du khách rốt cuộc đều có tác động tiêu cực đối với tự nhiên, lâu dài là đối với chính uy tín và lợi ích của các nhà tổ chức tour, nơi khai thác lợi nhuận dựa vào vẻ đẹp của tự nhiên. Hầu hết các đại biểu đồng ý rằng việc định hướng và xây dựng chiến lược phát triển du lịch cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn, nhằm góp phần bảo tồn được các giá trị thiên nhiên và môi trường, yếu tố hồn cốt để phát triển du lịch Việt.

Đặc biệt, để khẳng định tinh thần ủng hộ du lịch có trách nhiệm, các đại biểu đến từ 30 công ty lữ hành, tổ chức bảo tồn gửi đến hội thảo "thông điệp" kêu gọi tôn trọng các hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa địa phương trong các hoạt động du lịch. Đồng thời khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên khai thác, sử dụng ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp và coi đấy là văn hóa doanh nghiệp. Nỗ lực tham gia hoạt động của các tổ chức du lịch có trách nhiệm, nhằm lan tỏa tinh thần phát triển du lịch Việt Nam bền vững vì người Việt và dân tộc Việt.

Chứng kiến việc ký kết, ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục - Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Cát Tiên khẳng định: Vườn quốc gia Cát Tiên rất đa dạng sinh học, có nhiều loài động thực vật quý hiếm và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đây là một trong số các yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy du lịch sinh thái. Chúng tôi đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và sự ủng hộ hợp tác chặt chẽ của các tổ chức, cá nhân đối với du lịch có trách nhiệm nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai xanh của Việt Nam.

Theo Cao Phương (Công an TPHCM)

Tag: Du lịch

Tin khác