Mới đây, trên một diễn đàn du lịch, tài khoản Ngô Lan Phương chia sẻ vấn đề khi đặt khách sạn trực tuyến thông qua bên thứ 3. Cụ thể, ngày 13/6, cô và các bạn quyết định thuê phòng cho chuyến đi Cát Bà (Hải Phòng) trên website Hotels.com.
Họ chọn khách sạn Cat Ba House Backpacker trên đường Núi Ngọc. Quá trình diễn ra thuận lợi cho đến khi cả nhóm khởi hành chuyến đi.
Tài khoản Ngô Lan Phương cho biết khi đến nơi, cô và nhóm bạn không tìm thấy khách sạn mình đã đặt trên website. Ảnh chụp màn hình. |
Chia sẻ với PV, chủ bài viết nói: "Vào ngày hẹn, chúng tôi đến đúng địa chỉ và phát hiện khách sạn ở đó đã đổi tên. Chủ nơi này cho biết họ chưa nhận tiền đặt phòng của chúng tôi cũng như không hợp tác với bên đó".
Theo người này, sau khi cố gắng liên lạc với doanh nghiệp trung gian và không nhận được hồi âm, cô và các bạn quyết định tìm phòng ở nơi khác với giá không rẻ.
"Chúng tôi đã khá chủ quan khi đặt phòng qua mạng nhưng không tìm hiểu rõ thông tin. Tôi hy vọng chia sẻ của tôi có thể giúp các du khách khác tránh khỏi phiền toái", Phương chia sẻ. Theo đó, cả nhóm cũng đã gửi email phản ánh tình trạng trên tới bên đặt phòng.
Bài viết của cô nhận được nhiều quan tâm của các thành viên trong nhóm. Theo tài khoản Phong Nguyễn, khách sạn có thể đã đổi chủ nhưng hợp tác cũ với các website đặt phòng trung gian không được chuyển giao, dẫn đến trường hợp của Phương và nhóm bạn.
Vấn đề này không phải xảy ra lần đầu. Một số người cho biết họ từng gặp tình trạng tương tự với website trên.
"Cách đây khoảng một năm, chúng tôi đi Đà Lạt (Lâm Đồng) và đặt 3 phòng. Tổng số tiền dành cho 2 đêm là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến nơi, khách sạn cho biết họ không liên kết với website này", tài khoản Nguyễn Hoa viết.
Đề cập đến vấn đề hỗ trợ khách hàng, nhiều thành viên thông tin doanh nghiệp giải quyết công việc rất chậm. Trong trường hợp của Nguyễn Hoa, người này cho hay đến nay, cô và các bạn vẫn chưa được hoàn tiền.
Trong khi đó, tài khoản Trần Nguyễn Song Toàn và Thu Huyền cho rằng trước khi giao dịch, du khách nên chủ động liên hệ đến khách sạn để tìm hiểu và xác minh.
|
Cát Bà là một trong những điểm đến hàng đầu tại miền Bắc trong mùa hè. Ảnh: Balasatoi, Toury_moury. |
Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc một công ty lữ hành, cho biết mua dịch vụ thông qua các doanh nghiệp uy tín giúp du khách tránh khỏi nhiều phiền toái.
"Về cơ bản, các website đặt phòng trực tuyến giống một cái chợ. Vì thủ tục đơn giản nên số lượng khách sạn, nhà nghỉ và homestay đăng ký rất lớn. Doanh nghiệp khó có thể kiểm soát toàn bộ", ông nói.
Theo người này, để bảo vệ khách hàng, một số bên chỉ thanh toán cho khách sạn sau khi du khách check-in hoặc check-out.
Xác nhận thông tin của ông Đạt, đại diện một ứng dụng bán phòng trung gian khẳng định nếu nguyên nhân khách không thể check-in xuất phát từ phía khách sạn, họ sẽ phải đền bù toàn bộ cho người đặt phòng.
"Chúng tôi có thể ngừng hợp tác nếu khách sạn thường xuyên có review xấu nhưng không chịu giải quyết", vị đại diện nói.
Ông Đạt cũng cho hay khi có vấn đề, khách có thể liên lạc với các doanh nghiệp bán phòng trung gian qua đường dây nóng (nếu có) hoặc địa chỉ email.
Trước đó, tháng 10/2018, cặp vợ chồng người Nam Phi đến Việt Nam hưởng tuần trăng mật rất bối rối khi không tìm thấy con tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) như trong hợp đồng đặt qua ứng dụng đặt phòng trung gian. Tuy nhiên, họ khá may mắn khi được chính quyền địa phương giúp đỡ.
"Lúc đầu, tôi nghĩ đây là ngày tồi tệ nhất. Tuy nhiên, sau đó, tôi lại thấy đó là trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi đã thấy một Hạ Long tuyệt đẹp với những con người tốt bụng và sự nhiệt tình của các cơ quan nhà nước. Cảm ơn các bạn rất nhiều", người chồng chia sẻ.
Gần đây hơn, một gia đình từ Hà Nội đến Hạ Long nghỉ mát cũng không thể nhận phòng vì các rắc rối liên quan đến đặt phòng qua mạng. Chủ khách sạn cho biết một số bên trung gian không thông báo cho ông khi có khách đặt dẫn đến tình trạng nhiều người nhận một phòng trong cùng một ngày.
Theo Zing