Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng, nguyên nhiên liệu đầu vào trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Đây là một áp lực lớn đối với giá cả trong nước, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Xăng dầu thường được ví như là máu của nền kinh tế. Dù đã giảm 50% phí bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng nhưng trước đà tăng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước đã tiệm cận sát mốc 30.000 đồng/lít. Giá xăng cứ tăng 10% sẽ làm lạm phát tăng 0,36%. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã tăng 48,84%.
"Chúng tôi đã dự báo được giá xăng có thể tác động làm tăng chỉ số CPI từ 1 - 2% trong năm nay. Thời điểm ảnh hưởng nhiều là vào những tháng giữa năm và cuối năm 2022. Như vậy, sức ép từ nay đến cuối năm cực kỳ lớn và giữ được mục tiêu 4% là một thách thức rất lớn", TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Vấn đề được đặt ra lúc này là kiểm soát lạm phát, kiềm chế giá cả và giá xăng dầu có thể còn dư địa để điều chỉnh dù phải đánh đổi nguồn thu có thể sụt giảm.
Thực tế không chỉ Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng mà nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang phải đối diện và chấp nhận thực tế lạm phát tăng cao.
Dù dư địa không còn nhiều và áp lực cũng không nhỏ nhưng các biện pháp linh hoạt trong kiểm soát giá cả, lạm phát cần được tính đến. Đó cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong bối cảnh hiện nay.