Diễn đàn "luồng xanh" cho du lịch cất cánh Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp
Tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh” – Chuyên đề II: “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chuyển đổi số ngành du lịch phải chuyển đổi dần từ tư duy, nhận thức đến hành động. Do đó, con người là khâu đột phá và mang tính quyết định.
Lựa chọn “sống còn”
Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, đại dịch COVID-19 làm cho ngành du lịch trải qua những ngày “đau đớn” nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay lại là lựa chọn sống còn.
Nhìn nhận được xu hướng tất yếu này, ngành du lịch đang coi chuyển đổi số là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế số du lịch nằm trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cách tiếp cận của Việt Nam là thận trọng, từng bước một, nhưng không bỏ lỡ thời cơ.
Ngay từ năm 2019 cho đến nay, Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và đến năm 2022, Việt Nam đã bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Con người là trung tâm
Đứng ở góc độ địa phương, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình nhận định, từ thực tế triển khai ở Ninh Bình, chuyển đổi số trong ngành du lịch còn rất nhiều khó khăn và đặt ra yêu cầu cấp thiết cần giải pháp để giải quyết, đặc biệt là vấn đề con người, nhận thức và hạ tầng.
Chính vì yếu tố con người là trung tâm của chuyển đổi số ngành du lịch, các doanh nghiệp cho rằng, cần tập trung vào công tác đào tạo. Tác động xã hội lớn nhất của chuyển đổi số trong du lịch bắt đầu từ lực lượng lao động, lực lượng này đang chiếm 1/10 việc làm trên quy mô toàn cầu.
Liên quan đến việc phát triển nhân lực du lịch, bà Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, hiện cả nước có khoảng 284 cơ sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực và mỗi năm bổ sung trên 20 ngàn lao động cho ngành du lịch. Thực hiện đào tạo đã có chuyên ngành “Thương mại điện tử”, nhưng khi chuyển đổi thành bộ môn “Số trong lĩnh vực du lịch” thì vẫn còn loay hoay. Do đó, cần phải có sự bắt tay của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ đào tạo du lịch và doanh nghiệp để triển khai xây dựng chương trình đào tạo.
Trong khi, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của ngành du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Chủ tịch Hội đồng bình chọn doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu 2022:Để vinh danh các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động cuộc bình chọn doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu 2022. Thông qua việc bình chọn của bạn đọc và sự thẩm định của các chuyên gia, qua quy trình 10 bước, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ công bố và trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tiêu biểu. Ông Phạm Đình Huỳnh - Chủ tịch HĐQT Đại Nam Sơn Group:Chúng tôi nhận thấy công nghệ hình ảnh ứng dụng là một trong những chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa chuyển đổi số. Và việc áp dụng và ứng dụng với thực tế doanh nghiệp rất hiệu quả, khi đại dịch diễn ra và diễn biến phức tạp với việc sử dụng công nghệ hình ảnh ứng dụng chúng tôi. Chúng tôi mang công nghệ của mình giúp các tỉnh quảng bá được hình ảnh chân thực của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Quyết Tâm, Uỷ ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Vinasa:Việc triển khai hoạt động số hóa ngành du lịch Việt Nam hiện nay còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng ta cần tăng cường sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và doanh nghiệp du lịch trực thuộc, nâng cao chất lượng quản lý. Ông Daika Ginz - Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hệ sinh thái Uniworld: Ngành du lịch có thể tận dụng tối đa sự ưu việt của những cơ sở hạ tầng Blockchain. Ví dụ, khi sử dụng cơ sở dữ liệu Blockchain, việc thay đổi thông tin trên cơ sở dữ liệu được xác minh dựa trên cơ chế đồng thuận của hệ thống, giúp tránh được sự xâm nhập của Hackers, hạn chế rủi ro về sai lệch thông tin, đơn giản hóa quy trình và tối ưu chi phí quản trị vận hành. Dẫn chứng từ thực tế, Hãng hàng không quốc gia của Pháp - Air France đã sử dụng hạ tầng công nghệ Blockchain để phát triển và thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử có tên là ICC AOKpass. Ứng dụng này cho phép người dùng hiển thị kết quả âm tính COVID-19 trên điện thoại di động. |