Đến Quảng Nam dự Lễ ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu

Thứ Năm, 22/10/2020 12:47
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 10 và 11 dương lịch, trên những triền núi cao nơi định cư lâu đời của người Cơ Tu là lúc lúa chín vàng rực rỡ. Đây cũng chính là thời điểm đồng bào Cơ Tu miền Tây tỉnh Quảng Nam tưng bừng hân hoan mở hội ăn mừng lúa mới, để tạ ơn đất trời và các đấng thần linh đã phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Bà con Cơ Tu múa tung tung-da dá trong lễ ăn mừng lúa mới của làng

Người Cơ Tu gọi lễ ăn mừng lúa mới là Cha ha roo tơ mêê. Đây là một trong lễ hội truyền thống, là nét sinh hoạt văn hoá để mọi người trong làng giao lưu, gặp gỡ với nhau, không khí trong làng vì thế luôn rộn ràng, náo nức. Lúc này, các nghệ nhân dân gian lớn tuổi thử lại cồng, chiêng cùng các loại nhạc cụ truyền thống khác để đảm bảo đúng âm, đúng điệu và phần hội với các nghi thức cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng, múa tung tung-da dá (múa nam-múa nữ), hát giao duyên của nam nữ thanh niên Cơ Tu…

Chuẩn bị thức ăn và lễ vật cho lễ ăn mừng lúa mới

Người có uy tín trong làng được cử đi mời khách tham dự lễ hội của làng mình. Nam thanh niên lo quét dọn nhà cửa, đắp sửa lại đường đi vào làng, sân làng, sắp xếp, trang trí Gươl (nhà cộng đồng) thật khang trang để đón khách quý. Những dụng cụ sản xuất được đưa vào Gươl để trình báo với thần linh, tổ tiên ông bà về kết quả công việc sản xuất vụ mùa vừa qua. Các mẹ, các chị chuẩn bị trang phục truyền thống, các loại gùi… để sớm mai lên rẫy tuốt những gùi lúa chín vàng về cho làng. Mọi người trong làng ai ai cũng hăng hái góp lương thực, thực phẩm, rượu cần, tà vạt, thịt khô, các loại rau rừng, măng tươi để có được một lễ mừng lúa mới thành công.

Già làng thực hiện nghi thức cúng và chuẩn bị làm lễ hiến trầu

Trong lễ ăn mừng lúa mới, tùy thuộc vào kinh tế của mỗi làng mà đồng bào còn tổ chức lễ hiến trâu để cúng Giàng, thần linh. Già làng cắt một miếng đuôi trâu, cùng với con gà sống tẩm máu trâu rồi ném lên cái ổ trên cột nêu. Nếu lễ vật đó rơi đúng vào ổ, xem như Giàng, thần linh chấp nhận lễ hội mừng lúa mới. Những tấm tấm thổ cẩm đẹp nhất được phủ lên mình trâu hàm ý chia của cải cho nó; gạo nếp, rượu được đổ vào miệng trâu với ý nghĩa cho trâu được ăn no, và chiêng trống lại nổi lên để tiễn đưa linh hồn trâu về với thần linh. Xong phần lễ, cả làng tổ chức đến phần hội. Thịt trâu được xẻ ra, một phần dành cho già làng chế biến các món nướng, món hông, món luột, món xào tiếp khách quý ngay tại Gươl, phần còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, rượu tà vạt, xôi nếp nấu trong ống lồ ô, thịt lợn luộc, nướng, món zơrá gà (gồm thịt gà và các loại rau rừng hổn hợp nấu trong ống lồ ô), đến những món ếch đá nấu canh măng rừng tươi, thịt chuột khô và những trái cây... được mang ra, cả làng quây quần ăn uống, tâm tình, bàn chuyện làm ăn.

Những gùi cơm trong ống lồ ô được các thiếu nữ Cơ Tu gùi về Gươl (ngôi nhà chung của làng) để chuẩn bị ăn mừng lúa mới 

Với người Cơ Tu, lễ ăn mừng lúa mới còn là nét sinh hoạt mang tính tạ ơn đất trời, mong năm tới mưa thuận gió hòa và bày tỏ ước mơ cháy bỏng mong muốn mùa màng bội thu để cuộc sống dân làng, cộng đồng được no đủ, mạnh khỏe, hạnh phúc, nhà nhà yên vui... Trong lễ ăn mừng lúa mới, mọi người không quên múa hát những làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt không thể thiếu tiết mục múa tung tung da dá tưng bừng, hấp dẫn. Cả làng cùng hòa mình trong không khí phấn khởi, mừng cho một vụ mùa thắng lợi, nam nữ thanh niên Cơ Tu tìm bạn hát giao duyên tưng bừng, háo hức. Cuộc vui kéo suốt từ sáng đến đêm hôm đó, đến khi nghe thấy tiếng gà rừng cất tiếng gáy vang báo hiệu một ngày mới lại về trên núi rừng Trường Sơn, lễ ăn mừng lúa mới chấm dứt. Mọi người lần lượt ra về trong sự mãn nguyện, hạnh phúc, tràn đầy tinh thần đùm bọc thương yêu và hẹn nhau vào lễ ăn mừng lúa mới năm sau. 

Phụ nữ Cơ Tu giã lúa mới và lo gói bánh cuốc chuẩn bị cho lễ ăn mừng lúa mới của làng.

Có dịp đến với miền Tây Quảng Nam, nơi có số đông tộc người Cơ Tu sinh sống trải dài từ ngọn nguồn sông Thanh, Bung (thuộc huyện Nam Giang) qua sông A Vương (thuộc huyện Đông Giang và Tây Giang) vào thời điểm này hàng năm, du khách hãy một lần đến dự Lễ ăn mừng lúa mới nơi đây và cảm nhận những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà người Cơ Tu ở Quảng Nam vẫn đang gìn giữ và phát huy.

Theo baodulich

Tin khác