Theo dự thảo, thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) là một loại thị thực do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc khối APEC tham gia Chương trình.
Dự thảo nêu rõ, thẻ ABTC có giá trị sử dụng trong 05 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn. Khi thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng, nếu người được cấp thẻ vẫn có nhu cầu đi lại trong khối APEC, thì làm thủ tục đề nghị cấp thẻ mới.
Thẻ ABTC có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh vào các nước và vùng lãnh thổ thành viên tham gia Chương trình thẻ ABTC có tên trên thẻ khi người mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó.
Thẻ ABTC đã bị hủy giá trị sử dụng sẽ không được khôi phục. Nếu doanh nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp tục sử dụng thẻ ABTC thì phải làm thủ tục đề nghị cấp thẻ mới.
Doanh nhân Việt Nam và doanh nhân nước ngoài mang thẻ ABTC có trách nhiệm xuất trình thẻ ABTC và hộ chiếu cho người làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh khi xuất cảnh, nhập cảnh tại sân bay của các nền kinh tế thành viên.
Doanh nhân mang thẻ ABTC sẽ được ưu tiên làm thủ tục xuất nhập cảnh tại khu vực dành riêng ở sân bay của các nền kinh tế thành viên.
Doanh nhân nước ngoài sử dụng thẻ ABTC nhập cảnh Việt Nam được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế cấp chứng nhận tạm trú 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh và trước thời hạn của hộ chiếu 1 tháng.
Trường hợp thẻ ABTC còn thời hạn dưới 90 ngày thì cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn của thẻ.
Trường hợp doanh nhân bị mất hộ chiếu và được cấp hộ chiếu mới thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn chứng nhận tạm trú được cấp tại cửa khẩu hoặc cấp chứng nhận tạm trú để xuất cảnh trong trường hợp đã hết thời hạn tạm trú.
Doanh nhân đang làm việc thực tế tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Có nhu cầu đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên APEC.
Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp phải có các hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác nước ngoài hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia Chương trình thẻ đi lại doanh nhân APEC.
Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội.
Doanh nhân phải từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự.
Không thuộc các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 36 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.