Hai cái khó của ngành hàng không sau đại dịch

Thứ Hai, 30/05/2022 10:48
Tài chính và nhân lực là hai vấn đề ngành hàng không Việt Nam phải chật vật ứng phó để phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết hiện nay thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019).

Hai cái khó của ngành hàng không sau đại dịch - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục an ninh hàng không - Ảnh: Phan Công

Mặt khác, về tài chính, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, các đơn vị trong ngành hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động. Trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp về tìm kiếm các nguồn tài chính để bổ sung vào vốn như hỗ trợ của chính phủ, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, huy động vốn thông qua tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng, bán bớt phần vốn sở hữu của doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không như cảng hàng không, phục vụ mặt đất, xăng dầu, quản lý bay cũng hỗ trợ nhiều cho các hãng hàng không Việt Nam thông qua việc cho thanh toán chậm, giãn nợ, hoãn nợ... và điều này cũng khiến tình hình tài chính của các đơn vị này bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc bảo đảm nguồn vốn để phát triển giai đoạn hậu Covid-19 là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không.

Về nguồn nhân lực, với việc khai thác cầm chừng, có giai đoạn gần như đóng băng, đỉnh điểm vào nửa cuối năm 2021, đã có sự xáo trộn, thay đổi về nhân lực của các hãng hàng không Việt Nam. Bên cạnh việc chức lại bộ máy, sắp xếp lao động theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian để giảm bớt chi phí về tiền lương thì cũng dẫn đến việc chuyển dịch lao động sang các ngành nghề lĩnh vực khác.

Hiện nay, với việc phục hồi của thị trường hàng không, gia tăng nhu cầu khai thác trên phạm vi toàn cầu, các hãng hàng không đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn, đặc biệt là tổ bay, nhân viên kỹ thuật và các hãng hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Trong vận tải hàng không quốc tế, một vấn đề để phục hồi và phát triển vận tải hàng không chính là sự sẵn sàng đáp ứng của các hãng hàng không ở mỗi quốc gia khi thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng vận tải hàng không của các quốc gia. Các hãng hàng không đều gặp các vấn đề liên quan đến tài chính, nhân sự. Việc tái cơ cấu bộ máy, tái cấu trúc chi phí của các hãng hàng không cũng như bảo đảm việc bảo trì, bảo dưỡng tàu bay, hỗ trợ lực lượng lao động là ưu tiên hàng đầu của nhiều hãng hàng không trên thế giới. Việc bảo đảm đội ngũ người lái, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật cũng như kho phụ tùng, theo nhiều hãng hàng không của Mỹ, chính là chìa khóa cho việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng của ngành hàng không.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cũng đánh giá dịch bệnh Covid-19 đã khiến dòng tiền mất cân đối nặng nề, khiến tính thanh khoản của các doanh nghiệp giảm nhanh và sâu, vừa ảnh hưởng trực tiếp, ngắn hạn tới hoạt động của doanh nghiệp, vừa tác động bất lợi lâu dài tới khả năng phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp. Hàng không là ngành kinh tế kỹ thuật có độ tương tác cao nên khó khăn của các doanh nghiệp tác động dây chuyền tới nhau .

Bên cạnh đó, lao động mất hoặc giảm việc làm, vừa ảnh hưởng tới đời sống của người lao động trong ngành, vừa khiến các doanh nghiệp mất một lượng đáng kể lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Tình trạng này còn tạo sức ép cho các doanh nghiệp và một bộ phận lao động kỹ thuật có trình độ cao phải tăng cường tập huấn, củng cố kỹ năng để có thể đáp ứng được những yêu cầu nghiệm ngặt của ngành.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, có không ít cơ hội đối với ngành hàng không để mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Đặc biệt, cần tập trung khai thác thị trường nội địa; bên cạnh đó, tận dụng việc Việt Nam mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để khôi phục từng bước các hoạt động khai thác quốc tế và là tiền đề để khôi phục toàn bộ cũng như mở rộng, phát triển các hoạt động khai thác quốc tế. 

Ngoài ra, trong 2 năm vừa qua, ngành hàng không đã thực hiện nhiều dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Với việc hoàn thành các dự án trong tháng 4-2022, năng lực phục vụ của các cảng hàng không này được cải thiện và nâng cao đáng kể, kịp thời đón đầu sự hồi phục của vận tải hàng không. Đây cũng một cơ hội rõ ràng cho các hãng hàng không trong việc mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng đến các sân bay này.

Theo Dương Ngọc (Người Lao động)

Tin khác