Đào tạo nhân lực du lịch gặp nhiều thách thức

Thứ Hai, 04/04/2022 19:29
Một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi và bứt phá cho ngành du lịch là yếu tố nguồn nhân lực qua đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuỗi cung ứng du lịch vừa bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch, các đơn vị trong ngành du lịch đang gặp nhiều thách thức, nhất là thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng cao.
Đào tạo nhân lực du lịch-Thách thức về nhiều mặt - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ sở đào tạo du lịch phải nhìn nhận lại hoạt động tổ chức đào tạo của mình để thích ứng và có sự thay đổi cần thiết. Ảnh: VGP/Diệp Anh

"Thất thoát" nhân lực trong ngành du lịch

Du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Theo Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch.

Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã khuyến nghị rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhân lực du lịch bị thất thoát rất nhiều, chừng 1/3 lao động chuyển sang lĩnh vực khác.

Ông Vũ Thế Bình cho biết khi bắt đầu phục hồi du lịch, khó khăn lớn nhất là việc tập hợp được nhân lực du lịch quay trở lại và phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện bình thường mới.

"Nhân lực cũng là điểm yếu của du lịch Việt Nam kể cả trước khi có dịch COVID-19. Vấn đề này khiến chúng ta cũng trăn trở rất nhiều. Ngay trong lúc thịnh vượng nhất, nhân lực du lịch cũng bộc lộ rất nhiều bất cập như: Phát triển một cách ồ ạt, không có định hướng rõ ràng, không được quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ… Những điều đó phần nào làm 'méo mó' hình ảnh du lịch Việt Nam", ông Bình nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy cũng cho biết hiện nay phần lớn nguồn nhân lực vì cuộc sống đã chuyển đổi sang ngành nghề khác. Khi các hoạt động du lịch được mở cửa lại hoàn toàn, có những lao động tự nguyện quay lại, có lao động ổn định công việc mới với nguồn thu nhập cao hơn nên họ không quay lại. Vì vậy, việc đánh giá về nguồn nhân lực hiện tại, xem nhân lực du lịch của chúng ta đang "nằm ở đâu" so với khu vực và thế giới. Từ đó đưa ra hướng phát triển và giải pháp là rất cần thiết sau 2 năm đại dịch.

Dẫn chứng về thực trạng này tại đơn vị mình, ông Lê Hồng Hải-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch thương mại Dân chủ cho biết số lao động trước COVID-19 là 168 người, đến tháng 2/2022 chỉ còn lại là 103 người. Tuy vậy, số lao động này phần lớn đang nghỉ việc, số còn lại đã đi làm nhưng chưa thể làm đủ 100%.

Bà Nguyễn Thanh Thủy-Giám đốc Điều hành Khách sạn Silkpath Hà Nội cũng cho biết việc tuyển dụng lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay rất khó khăn, nhất là những vị trí cấp cao hoặc có tay nghề tốt vì đa số đã chuyển sang lĩnh vực khác. Vì vậy, các khách sản bắt buộc phải tuyển dụng lại hoặc đào tạo lại. Điều đó sẽ mất thêm rất nhiều chi phí và thời gian.

Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra "lỗ hổng" lớn trong ngành du lịch nhất là trong thời điểm khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới. Do đó, đào tạo, nhất là đào tạo nghề trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Đào tạo còn thiếu tính thực tế

Theo TS. Vũ An Dân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội, đại dịch COVID-19 vẫn đang là phép thử lớn nhất từ trước tới nay về khả năng tồn tại và phục hồi của ngành du lịch. Một trong những yếu tố quan trọng cho sự phục hồi và bứt phá cho ngành du lịch là yếu tố nguồn nhân lực qua đào tạo. Đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ sở đào tạo cần nhìn nhận lại hoạt động tổ chức đào tạo của mình để thích ứng và có sự thay đổi cần thiết.

"Gần 2 năm gián đoạn không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và tồn tại của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn tới các cơ sở đào tạo về du lịch không chỉ là vấn đề tuyển sinh đầu vào, bảo đảm đầu ra mà còn ở chất lượng cũng như việc bảo đảm cho người học có đủ khả năng, cơ hội hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn", TS. Vũ An Dân nói.

TS. Vũ An Dân cho rằng trở ngại lớn nhất là việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khi đại dịch buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh và thậm chí phải đóng cửa. Doanh nghiệp không hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động đồng nghĩa với việc cơ hội, thời gian cho các chương trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp bị thu hẹp lại, thậm chí bằng không. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp hoặc ra trường đúng thời hạn do chưa tích lũy đủ các học phần thực hành, thực tập theo thiết kế chương trình.

Theo TS. Vũ An Dân, việc thích ứng, thay đổi cho các hoạt động đào tạo du lịch nói chung và cho các hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp nói riêng cùng với các kế hoạch, mô hình thực hiện cụ thể là hết sức quan trọng. Việc này không chỉ hữu ích trong đối phó với dịch COVID-19 nói riêng mà còn là sự chuẩn bị đối phó cho những gián đoạn tương tự do các yếu tố khác gây ra.

Đồng quan điểm trên, GS. TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại các trường đại học, chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. 

Một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không áp dụng sát thực tế trong quá trình giảng dạy với sinh viên. Từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực du lịch.

Nhân lực du lịch phải thay đổi theo yêu cầu thị trường

Vì vậy, GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng ta cần đưa ra một số định hướng và giải pháp để bảo đảm nguồn nhân lực phục hồi sau đại dịch.

Cụ thể, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, cần xây dựng, triển khai chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trong nước và du lịch đã hoạt động trở lại.

Mặt khác, cần tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch bảo đảm yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước. Việc đào tạo nhân lực cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đề nghị các địa phương, cơ quan quản lý, các khu, điểm du lịch đánh giá lại thực trạng du lịch. Các địa phương có cơ chế xây dựng chính sách phối hợp với các trường đào tạo nghề xây dựng chiến lược phát triển nhân lực. Trong đó xây dựng cơ chế phối hợp ngắn hạn và dài hạn một cách cụ thể và cần phải làm ngay.

Giải quyết được vấn đề nhân lực du lịch trong bối cảnh mới sẽ góp phần vào phục hồi dần du lịch, lấp lỗ hổng cho ngành công nghiệp không khói phát triển trong thời gian tới.

Theo Diệp Anh (Chinhphu.vn)

Tin khác